Trong lần làm việc với tỉnh Nghệ An vào trung tuần tháng 9-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Chúng ta có một không gian biển rộng lớn như vậy nhưng lâu nay vẫn mang tư duy phát triển trong đất liền, phát triển gần bờ. Còn PGS-TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) ví von hình ảnh “hạm đội thuyền thúng ra khơi” khi đề cập thực trạng công cuộc chinh phục nguồn lợi biển Việt Nam. Rõ ràng, nhu cầu về công suất tàu lớn, hậu cần trên biển… đang là nhu cầu bức thiết của ngư dân.
Tàu nhỏ, tàu to đều khó!
Ông Nguyễn Văn Xuân, 48 tuổi, ngụ xóm Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) chủ tàu HT20510TS, 50CV, chuyên đánh bắt vùng Bạch Long Vỹ (Quảng Ninh), cho biết: “Tàu tui thô sơ và công suất máy quá nhỏ, chỉ đánh bắt được gần bờ, sản lượng thu hoạch thấp. Còn liều ra xa bờ, chắc chắn sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng để đảm bảo cuộc sống, chúng tui vẫn phải đặt cược tính mạng của mình với biển bằng những chuyến đánh bắt xa bờ…”.
Nhiều ngư dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dù rất muốn nâng cấp công suất máy từ 50 đến trên 90CV để chuyển hướng đánh bắt xa bờ, nhưng ngặt nỗi không có vốn đầu tư, trong khi thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng cũng chỉ được tối đa hơn 50 triệu đồng.
Tàu nhỏ, thô sơ khi vươn khơi xa hiệu quả không cao đã đành, tàu “khủng” cũng có nỗi lo riêng. Hơn 40 năm “cưỡi sóng” tung hoành khắp Hoàng Sa, Trường Sa, ngư dân Nguyễn Văn Ái (62 tuổi - ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định) đang sở hữu đội tàu gồm bốn chiếc: hai chiếc có công suất 270CV, một chiếc công suất 450CV và một chiếc công suất 900CV. Không chỉ nuôi sống gia đình, đội tàu của ông Ái còn nuôi gần 400 người trong gia đình của 66 lao động chính làm việc trong đội tàu.
Trong số các tàu của ông Ái, tàu BĐ-94439 TS (công suất 900CV) được xem là một trong những tàu to và hiện đại nhất của ngư dân miền Trung hiện nay. Tàu dài 26m, rộng 7,5m, nặng 150 tấn, chịu được biển động cấp 7, cấp 8. Tàu trang bị một máy rađa, hai máy ICOM, hai máy định vị, một tivi màn hình phẳng 32 inch và dàn karaoke và chạy với tốc độ 13 hải lý/giờ. Chi phí đầu tư con tàu này hơn 3,5 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng trang bị ngư lưới cụ.
Tuy nhiên, tàu BĐ-94439 TS cũng gặp không ít khó khăn; ngư trường ngày càng ít cá, chi phí cho mỗi chuyến đi ngày càng tăng vùn vụt. Ông Ái cho rằng: “Muốn bám biển và có thu nhập cao, cần phải có tàu cá hiện đại, đầy đủ trang thiết bị để khai thác tốt hơn nhưng ngư trường ở xa bờ như vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa… tàu to cũng gặp rủi ro nếu nhà nước không có những chính sách đồng hành. Ngoài chính sách hỗ trợ xăng dầu, tôi nghĩ nhà nước nên có chế độ cho vay vốn ưu đãi để ngư dân có thể đóng tàu công suất lơn hơn và các lực lượng chức năng cũng nên có phương án để bảo đảm an toàn cho ngư dân yên tâm đánh bắt trên biển”.
Từ một làng chài nghèo với những chiếc thuyền đánh cá khiêm tốn ra vào cảng biển Tư Hiền, ngư dân thôn Đông Hải (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã trở nên giàu có với những đội tàu đánh bắt xa bờ (70 chiếc với công suất 90-300CV) ngang dọc biển Đông. Theo số liệu từ UBND xã Lộc Trì, từ đầu năm 2011 đến nay, đội tàu đánh bắt xa bờ địa phương có sản lượng khoảng trên 3.000 tấn; trong đó cá nục gai chiếm 70%; cá chim, mực chiếm 20%, còn lại 10% là cá nục suông. Doanh thu 50 - 80 triệu đồng/tàu/tháng, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương, thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/người.
Ông Trần Vinh, ngư dân xã Lộc Trì, cho biết, loại tàu có công suất từ 90CV trở lên, mỗi chuyến ra khơi, chi phí tốn cả trăm triệu đồng, còn tàu 400-500CV phí tổn cả tỷ đồng. Do đó, rất cần Nhà nước xây dựng những đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá “đại lý” công suất hàng ngàn mã lực/chiếc. Vừa thu mua hải sản, vừa cung cấp nguyên vật liệu cho các đội tàu đánh bắt xa bờ ngay trên biển. Qua đó, ngư dân không những giảm được chi phí nhiên liệu ra vào, mà còn tiếp tục bám ngư trường đang có nhiều tôm cá.
Phát triển hậu cần trên biển
Huyện Lý Sơn hiện có trên 409 phương tiện tàu cá, trong đó hơn một nửa đang khai thác hải sản tại ngư trường xa bờ. Do đó, lượng nhiên liệu tiêu hao rất lớn nên sau một thời gian hoạt động phải vào bờ hoặc ghé đảo để tiếp thêm nhiên liệu. Điều này vừa tốn thời gian, vừa làm tăng chi phí.
Nắm bắt được nhu cầu trên, đại lý xăng dầu Nhiên Phương trên đảo Lý Sơn đã đầu tư gần 1 tỷ đồng đóng mới một tàu chở dầu có trọng tải gần 50 tấn phục vụ tàu cá ngư dân hành nghề dài ngày trên biển. Ông Nguyễn Ngọc Nhiên - chủ đại lý xăng dầu Nhiên Phương cho biết, nếu làm ăn thuận lợi, ông sẽ đầu tư mua mới thêm một tàu chở dầu có trọng tải lớn hơn, hoạt động dài ngày với ngư trường xa hơn để hỗ trợ ngư dân.
Ngư dân Phan Văn Trường ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, chủ tàu cá QNg-96311 TS, hành nghề lưới vây rút chì xa bờ, vui mừng nói: “Chỉ cần nhấc máy liên lạc là tàu chở dầu của ông Nhiên kịp thời có mặt để cung cấp nhiên liệu, chúng tôi yên tâm, sản lượng khai thác tăng lên rõ rệt”.
PGS-TS Trần Đình Thiên nhận định, để khẳng định chủ quyền biển thực sự, Việt Nam phải có các hạm tàu lớn và có các doanh nghiệp kinh tế biển mạnh. Công tác hậu cần (trên biển và trong đất liền) cũng cần được đặc biệt chú trọng. Phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, tuy không phải là điều kiện bắt buộc để phát triển ngành vận tải biển và khai thác hải sản, song trong bối cảnh hiện đại, Việt Nam có thể làm điều đó hiệu quả.
Nhìn ra thế giới, hầu hết các nước phát triển đều là những nước có biển. Còn ở phạm vi quốc gia, các địa phương ven biển đều phát triển hơn các địa phương không có biển. Kinh tế biển đã góp phần tạo nên tăng trưởng cao của đất nước, đặc biệt thu ngân sách khá. Thời gian tới, các cấp ngành liên quan cần nghiên cứu để dân có điều kiện đánh bắt xa bờ, vì gần bờ sẽ lạm sát môi sinh, môi trường. Việc đánh bắt xa bờ, tại những vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia là hoạt động kinh tế hết sức bình thường. Phải tạo điều kiện cho ngư dân đến mức tối đa, vì việc đánh bắt trên biển không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà đặc biệt quan trọng trong đảm bảo ninh - quốc phòng.
NHÓM PV