
Ghẹ xanh (Portanus pelagicus) là loài thủy sản thuộc lớp giáp xác (Crustacea), ngành chân khớp (Arthropoda) được biết đến như một loài hải sản cho chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, có sức tiêu thụ cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tại vùng biển Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre ghẹ xanh có khá nhiều. Riêng Kiên Giang ghẹ xanh tập trung ở khu vực quanh các đảo thuộc huyện Phú Quốc, Kiên Hải; vùng ven biển, ven đảo thuộc huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên.

Con ghẹ.
Những năm gần đây- cùng với một số loài hải sản có giá trị khác- ghẹ xanh bị “càn quét” bằng các phương tiện cào bờ, xiệp mé làm cho sản lượng trong tự nhiên giảm sút nghiêm trọng. Hậu quả là kích cỡ, chất lượng ghẹ xanh bán trên thị trường ngày càng xuống cấp. Đây là dấu hiệu báo động về nguy cơ nguồn lợi ghẹ xanh trong tự nhiên đang cạn kiệt.
Nhằm đa dạng hóa các giống thủy sản nuôi, đem lại nguồn thu nhập cho bà con sống ven biển, góp phần cứu nguy cho loài ghẹ xanh… các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Nha Trang) đã thành công trong việc cho ghẹ xanh sinh sản nhân tạo, nuôi thử nghiệm trong ao.
Một số bà con nông dân vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long đã mua ghẹ con (cỡ 20 con/kg) của người khai thác ghẹ trên biển, thả vào trong ao nuôi tôm với mật độ 1,3 con/m2. Thức ăn cho ghẹ là cá tạp tươi rất rẻ và có sẵn tại chỗ. Sau 45 ngày nuôi đã có thể thu hoạch được loại 10 con/kg. Chất lượng ghẹ xanh nuôi không kém gì so với ghẹ đánh bắt trong tự nhiên, ghẹ cái đầy gạch (sản phẩm sinh dục hình thành trứng).
Kết quả bước đầu này cho thấy việc đưa ghẹ xanh vào ao nuôi là khả thi, góp phần đa dạng hóa giống hải sản nuôi; có thể nuôi luân canh 1 vụ tôm sú- 1 vụ ghẹ xanh. Thời vụ sau mùa mưa (tháng 11) thường độ mặn tăng cao, là thời điểm tốt để thả nuôi ghẹ xanh, thu hoạch ghẹ dứt điểm trong tháng 5 để tránh mưa đầu mùa giảm độ mặn gây sốc làm chết ghẹ .
Chú ý: Ghẹ thích sống tầng đáy, thích vùi mình dưới cát vì vậy cần làm ao nuôi nơi có đáy cát (nếu đáy nhiều bùn thì khi ghẹ hoạt động mạnh sẽ gây đục nước khiến cho mang ghẹ bị tổn thương, ghẹ không lấy đủ oxy để thở); độ mặn trong ao duy trì từ 30-34%0, nhiệt độ 27- 300C, pH từ 8-8,5, hàm lượng oxy hòa tan từ 5,5-6,5mg/l.
Kỹ sư VÂN THANH