Loạn chương trình tư vấn tuyển sinh

Thông tin tuyển sinh liên tục điều chỉnh, thay đổi nên nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin của thí sinh, phụ huynh lẫn giáo viên luôn rất lớn và càng đặc biệt hơn với những học sinh tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Loạn chương trình tư vấn tuyển sinh

Thông tin tuyển sinh liên tục điều chỉnh, thay đổi nên nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin của thí sinh, phụ huynh lẫn giáo viên luôn rất lớn và càng đặc biệt hơn với những học sinh tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Do đó, hiện có rất nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh ra đời, nhưng điểm lại thì chỉ vài chương trình thật sự có ý nghĩa. Nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh đã bị biến tướng và sặc mùi thương mại, khi rất nhiều công ty cùng nhảy vào để “móc túi” các trường. 

Đau đầu với thư ngỏ, mời tài trợ

Thông tin từ các trường cho biết, ngay từ cuối năm 2015 đã có rất nhiều công ty, đơn vị gửi thư ngỏ mời tham gia tài trợ cẩm nang, tài trợ chương trình, ngày hội tư vấn tuyển sinh. Trong đó, có nhiều công ty nhờ danh nghĩa cả Hiệp hội Các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) Việt Nam để gửi thư xin tài trợ.

Ngay cả các trường THPT cũng khôn khéo tìm kiếm tài trợ cho chương trình tư vấn với ý nghĩa rất chuẩn là hướng nghiệp, nhưng thực tế là giới thiệu về các trường ĐH, CĐ, trung tâm đào tạo, trung tâm du học cho học sinh khối 11 và 12. Cụ thể, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tổ chức buổi hướng nghiệp tổ chức ngày 13-3-2016 và gửi thư ngỏ đến các cơ sở đào tạo với chi phí đóng góp cho trường là 2 triệu đồng/đơn vị. Nhà trường cho biết 2 triệu đồng này sẽ dùng cho chi phí tổ chức và lập quỹ học bổng. Tuy nhiên, quỹ học bổng này có hay không và có đến tay học sinh hay không thì chỉ có ban giám hiệu trường mới biết được. Trong khi đó, rất nhiều công ty cũng nhảy vào làm kinh tế trong mùa tuyển sinh năm nay, với đủ các hình thức như làm cẩm nang tuyển sinh, sổ tay hướng nghiệp, nhưng kèm theo đó là kinh phí đến vài chục triệu đồng.

Để phát hành Sổ tay những thông tin cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 vào tháng 1-2016, từ tháng 8-2015, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam đã soạn thư gửi các trường ĐH, CĐ, các đơn vị giáo dục về việc hiệp hội xuất bản cuốn sổ tay này. Cùng với đó, hiệp hội cử đại diện là Công ty Kết nối văn hóa Việt làm đơn vị hỗ trợ thu thập thông tin và phát hành ấn phẩm. Tiếp đó, ngày 19-11-2015, Công ty Kết nối văn hóa Việt gửi thư đến các trường ĐH, CĐ mời đăng ký tham gia cung cấp thông tin và hỗ trợ kinh phí (biểu phí từ 8 - 35 triệu đồng) in ấn và phát hành sổ tay nói trên. Trong thư ngỏ, công ty này cho biết Cơ quan thường trú Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tại TPHCM và Ban Tư vấn ĐH Quốc gia TPHCM hỗ trợ cung cấp nội dung. Ngoài ra, trong thư ngỏ, công ty này lại cho biết liên kết với Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM để xuất bản và phát hành sổ tay.

Như vậy, cùng xuất bản một cuốn sổ tay nhưng thư ngỏ của Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam khẳng định họ sẽ xuất bản sổ tay, còn thư ngỏ của Công ty Kết nối văn hóa Việt lại cho biết họ kết hợp với hiệp hội để mở rộng phát hành (?!).

Học sinh tham quan, tìm hiểu ngành học tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM

Thương mại hóa tư vấn

Liên quan đến việc xuất bản cuốn sổ tay nói trên, TS Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, cho biết: “Chúng tôi không nhận được thông tin gì về việc này”. Như vậy, cơ quan đại diện của bộ không hề cam kết hay nhận được công văn đề nghị cung cấp nội dung gì cho cuốn sổ tay của hai đơn vị này.

Theo một chuyên gia tư vấn tuyển sinh tại TPHCM, hiện rất nhiều đơn vị, trong đó có nhiều công ty tổ chức chương trình tư vấn và mời tham gia tư vấn. Tuy nhiên, có khá nhiều công ty hoạt động lung tung, lợi dụng danh nghĩa của chuyên gia tư vấn tuyển sinh để quảng cáo cho một số trường. Và theo chuyên gia này, ông không bao giờ tham gia những chương trình sặc mùi thương mại vì chẳng có thông tin gì có ích cho thí sinh ngoài việc giới thiệu, PR cho các trường. Cách đây không lâu, ĐH Quốc gia TPHCM đã thẳng thừng từ chối đoàn học sinh do Công ty Thương hiệu Việt ký hợp đồng với Trường THPT Trần Hưng Đạo (Tiền Giang) tổ chức tour du lịch đến ĐH này nghe tư vấn tuyển sinh với giá trọn gói là 135.000 đồng/học sinh. Trước tình hình bị lợi dụng hình ảnh, ĐH Quốc gia TPHCM khẳng định không hoạt động hướng nghiệp vì mục đích lợi nhuận và gửi thông báo đến các trường THPT lưu ý “tránh bị các công ty lợi dụng uy tín của ĐH Quốc gia TPHCM nhằm thương mại hóa hoạt động tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp”.

“Trăm nghe không bằng một thấy” nên hình thức đưa học sinh đến các cơ sở đào tạo để được tư vấn, lựa chọn ngành học, tham quan cơ sở vật chất là rất thiết thực, hiệu quả. Do đó, các trường THPT cần liên hệ trực tiếp với các trường ĐH, CĐ để tổ chức cho các em đến hướng nghiệp, chứ không nên thông qua các công ty vì sẽ tốn chi phí, lại không đảm bảo yêu cầu tư vấn cho học sinh.

 Một trường ĐH tại TPHCM cho chúng tôi xem thư mời tham gia tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Tân), tổ chức ngày 14-3-2016 của Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM. Đơn vị này đã gửi cho hàng trăm người ở các trường ĐH, CĐ tại TPHCM, thậm chí có rất nhiều người trong một trường cùng nhận được thư ngỏ này. Chi phí tham dự chương trình là 1 triệu đồng/trường với thời lượng một tiếng rưỡi (từ 7 giờ - 8 giờ 30 phút). Các trường tham gia được bố trí một “gian hàng” là chiếc bàn nhỏ. Chưa nói đến nội dung và chất lượng của buổi tư vấn nhưng ngay cả thư ngỏ của trung tâm này cũng viết lộn xộn, sai chính tả be bét.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục