Loạn xây dựng trái phép chờ đền bù cao tốc Bắc - Nam

Bộ GTVT vừa bàn giao giai đoạn 1 mốc lộ giới cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, người dân đã ồ ạt xây dựng đủ loại công trình nhằm chờ... đền bù. Đất rừng không chuyển đổi mục đích sử dụng, đất nông nghiệp bị xây nhà kiên cố khiến cho việc phóng tuyến, cắm mốc công trình trọng điểm quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một trường hợp xây dựng “đón đầu” đền bù cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình
Một trường hợp xây dựng “đón đầu” đền bù cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

Xây dựng để chờ… đền bù

Từ xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), PV Báo SGGP vượt hàng trăm cây số qua Quảng Bình, vào đến Quảng Trị. Đi qua địa phận nào cũng thấy xây dựng trái phép mọc lên giữa khu vực phóng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Xã Kỳ Hòa, địa phương thống kê, đo đếm 6 hộ dân ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc, đã được cắm mốc giải phóng mặt bằng cũng như ký cam kết không được xây dựng vượt tuyến. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn xây mới công trình trái phép. Điển hình như bà Trần. Th. H (SN 1960), có 2.000m2 đất đang trong quá trình kiểm đếm chuẩn bị di dời thì gia đình bà H. lại xây nhiều công trình nhằm khai thêm vào danh mục, làm khó công tác đền bù.

Rời Kỳ Hòa, vào xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), tại Làng thanh niên lập nghiệp Quảng Châu, hàng loạt nhà xây tạm bợ mọc lên. Ông Trần Văn May, một cư dân của làng, cho biết: “Nghe tin đường cao tốc chạy qua, nhiều người địa phương cho xây chuồng trại, nhà xưởng trong đất rừng kinh tế chờ đền bù. Người này làm, người kia làm theo”.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, thừa nhận, tình trạng xây dựng chờ đền bù đang diễn ra phức tạp, huyện đang thành lập 2 tổ công tác xử lý sự việc. Một tổ đi tuyên truyền tại các xã có cao tốc đi qua, bà con không được xây dựng trái phép khi đất không chuyển đổi; một tổ công tác xử lý vi phạm hành chính nhằm kiềm chế xây dựng trong hành lang tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Trong khi đó, tại 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), hàng trăm hộ dân dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đang cấp tập cho xây nhiều công trình giữa khu vực giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam. Tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, không khó để nhận thấy tràn lan nhà cửa, chuồng trại, hàng rào đang được xây dựng để “đón đầu” đền bù. Ông Nguyễn Hòa, một thợ xây trong vùng, cho biết: “Dân kêu xây nhà giữa rừng nhiều lắm, việc làm không hết. Bà con cho xây qua loa, ngày công trả cao vì xây chờ đền bù dự án đường cao tốc”. 

Không khí xây dựng náo nhiệt cũng diễn ra tại thị trấn Bến Quan, các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Lĩnh, tỉnh Quảng Trị), các xã Linh Trường, Gio An, Hải Thái (huyện Gio Linh), Cam Tuyền, Cam Hiếu (huyện Cam Lộ).

Qua trao đổi, Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan Dương Đình Quang cho biết, sau khi kiểm tra, lập biên bản đối với các trường hợp vi phạm, có hộ dừng, có hộ tiếp tục xây dựng; có hộ lén lút xây dựng cả ngày lẫn đêm, rất khó quản lý.

“Địa phương đã lập biên bản 2 hộ xây dựng chuồng trại trái phép trên đất trồng cây cao su, 11 hộ gia đình cơi nới công trình trên đất ở chưa xin phép, 5 hộ trồng thêm cây trong phạm vi khảo sát dự án cao tốc”, ông Dương Đình Quang thông tin.

Tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), chính quyền cũng đã lập biên bản hơn 50 hộ dân xây dựng trái quy hoạch, hàng trăm hộ dân khác đang được mời lên làm việc ở các xã về nguồn gốc đất do có hành vi xây dựng xâm phạm lộ giới cao tốc Bắc - Nam.

Vào cuộc bảo vệ giới tuyến cao tốc

Trước thực trạng khu vực giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam bị xây dựng, lấn chiếm, cơi nới công trình không được phép trên địa bàn, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho biết, huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã Sơn Thủy, Phú Thủy, Trường Thủy, Kim Thủy, Nông trường Lệ Ninh tập trung quản lý đất đai trong phạm vi dự án; thông báo, tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân trên địa bàn không được cơi nới, xây dựng mới công trình trái phép.

“UBND huyện giao cho tổ xử lý nhanh về lĩnh vực tài nguyên và môi trường của huyện phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn có đường cao tốc đi qua tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, Phòng TN-MT chịu trách nhiệm hướng dẫn về mặt chuyên môn để UBND các xã, thị trấn thực hiện đúng quy định của pháp luật. Về cấp xã, để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan, thiếu cương quyết xử lý sẽ chịu trách nhiệm trước UBND huyện”, ông Tình cho hay.

Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cũng cho biết: “Bộ GTVT và các ban quản lý dự án bàn giao mặt bằng cắm mốc và thực trạng cho địa phương. Địa phương sẽ thống kê số lượng nhà dân chịu ảnh hưởng, phương án đền bù. Trước khi bàn giao cắm mốc, các ban đã cung cấp hình ảnh quay phim thực địa trong quá trình khảo sát cho địa phương, nên công trình nào được xây dựng trước đó hay mới xây dựng sau khi cắm mốc đều có thể biết rõ. Vì vậy, hộ nào xây mới sẽ không được giải quyết đền bù”.

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn gửi các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ khẳng định cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia nên các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nhằm bảo đảm cao tốc được thực hiện đúng tiến độ đề ra.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã rà soát sơ bộ với diện tích đất phải giải phóng mặt bằng do ảnh hưởng cao tốc Bắc - Nam khoảng 900ha, di dời 589 hộ dân cùng 700 ngôi mộ; ước tính số tiền đền bù khoảng 3.900 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục