Ngày 1-3, ngành thuế đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp chống thất thu thuế. Tình trạng chuyển giá, nợ thuế gia tăng đang là những thách thức được ngành thuế đặt ra tại hội nghị và dường như vẫn chưa có lời giải cho “căn bệnh” này.
Theo Ban Cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), trong những năm gần đây, hiện tượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp (DN) kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Điển hình tại một địa phương như Bình Dương, số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 DN (chiếm tỷ trọng 50,6%, trong đó có tới 200 DN lỗ quá vốn chủ sở hữu); tại TPHCM và Đồng Nai, tỷ lệ số DN FDI kê khai lỗ lần lượt là 60% và 52,2%.
Tổng kết trong khoảng 5 năm trở lại đây (2006-2010), có thể nhận thấy các hành vi chuyển giá điển hình đã và đang diễn ra tại Việt Nam thường dưới các hình thức: chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh giữa các bên liên kết.
Đáng lo ngại, theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó trưởng ban Ban Cải cách hiện đại hóa, hành vi chuyển giá nhằm tối thiểu nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không chỉ diễn ra tại các DN FDI, mà còn diễn ra giữa các bên liên kết trong nội địa Việt Nam do các tập đoàn kinh tế trong nước lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, thành lập một số công ty con hoạt động trong những lĩnh vực và địa bàn khác nhau, trong đó có những lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi thuế TNDN, từ đó tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN không được ưu đãi thuế sang DN liên kết được ưu đãi thuế. Hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang DN bị lỗ thông qua giá chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên để giảm thiểu nghĩa vụ thuế tổng hợp của cả tập đoàn.
Trong năm 2011, ngành thuế đã tổ chức thanh tra đã thực hiện thanh tra tại 921 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá, xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với năm trước), truy thu thuế và phạt 1.669 tỷ đồng (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước).
Trước những khó khăn của công tác này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cho biết, tới đây sẽ thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại cơ quan thuế, nhất là tại một số đơn vị quản lý nhiều DN có giao dịch liên kết. Đồng thời rà soát cơ chế, chính sách, bổ sung nhân lực, đầu tư công nghệ, tăng cường thanh tra, kiểm tra… Ông Tuấn cũng khẳng định, nếu phát hiện có hoạt động chuyển giá tại các tập đoàn, tổng công ty thì người đứng đầu các DN này phải chịu trách nhiệm.
Liên quan đến vấn đề nợ đọng thuế, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, năm 2011 tình hình nợ thuế tiếp tục tăng 29,5% so với năm 2010 (năm 2010 tăng 17,9% so với 2009). Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng sản xuất, kinh doanh thua lỗ.
Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho các cục thuế, Tổng cục Thuế cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý nợ (dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung); sửa đổi, bổ sung thủ tục hồ sơ đối với trường hợp xóa nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp xóa nợ theo diện phá sản DN quy định tại Luật Quản lý thuế để phù hợp với thực tế; bổ sung quy định cho phép cơ quan quản lý thuế cho phép người nộp thuế được phép nộp dần tiền nợ thuế và chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với trường hợp này...
Hà My