Loay hoay giảm ngập

Tình trạng ngập úng tại TPHCM không ngừng gia tăng. Trong 5 năm lại đây, mực nước dâng khi triều cường luôn đạt kỷ lục 1,40m - 1,46m. Tại các quận huyện trên địa bàn thành phố đều có những điểm ngập cục bộ.

Theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hoàn toàn không phải do ảnh hưởng từ tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng mà một phần do người dân thành phố.

Tác nhân lớn nhất là tình trạng lấn chiếm, xả rác làm vô hiệu hóa hệ thống thoát nước của thành phố. Hiện nay, hệ thống thoát nước của thành phố được mở rộng lên 2.000km cống, 128.000 hầm ga, 800 cửa xả và gần 3.300 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 5.000km. Đây được xem là hệ thống thoát nước mưa, lũ chính yếu của toàn bộ thành phố. Thế nhưng, tính đến năm 2011, toàn thành phố có 36 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm. Đến năm 2012, số điểm bị lấn chiếm tăng tiếp lên 41 vị trí. Còn cho đến nay thì số điểm bị lấn chiếm lên đến hàng trăm điểm. Thậm chí, có nhiều điểm người dân tự ý lấp kênh để xây nhà mà chưa thống kê được. Tình trạng lấn chiếm kênh rạch kết hợp với hoạt động sản xuất nhưng không tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống lòng kênh đã khiến cho lòng kênh bị co hẹp, cản trở dòng chảy.

Không dừng lại đó, tình trạng xả rác bừa bãi trên đường phố và hệ thống kênh rạch cũng khiến cho việc tắc nghẽn dòng kênh ngày càng trầm trọng. Các tuyến kênh rạch như rạch Xuyên Tâm, rạch Cầu Bông chảy vào kênh Thị Nghè, rạch Cầu Dừa, rạch Bàu Trâu… đều bị tắc nghẽn bởi rác. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh đã kéo theo sự phát triển nở rộ lục bình. Lục bình sinh sôi mạnh, kết thành những tảng lớn quyện với rác thải đã chặn dòng chảy toàn bộ hệ thống kênh rạch của thành phố. Cá biệt có những đoạn rạch bị vô hiệu hóa đến mức người dân có thể đi lại trên mặt.

Điều đáng nói, để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xả rác bừa bãi xuống kênh rạch gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước của thành phố, UBND TP đã ban hành quy định về tăng cường công tác quản lý hệ thống kênh rạch, sông ngòi. Tuy nhiên, hiện việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa nhiều đơn vị cùng có chức năng quản lý hệ thống kênh rạch nên hiệu quả đạt được rất hạn chế. Riêng tình trạng lục bình phát triển, sinh sôi nhanh tại các tuyến kênh cho đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý. Có thể nói, với cách ứng xử chưa thỏa đáng với hệ thống thoát nước tự nhiên của thành phố, thì TPHCM sẽ khó giải quyết được tình trạng ngập úng hiện nay. Thậm chí, theo dự báo của các chuyên gia môi trường, tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn. Những quận huyện đang hứng chịu nặng nề nhất tình trạng ngập úng là Bình Thạnh, quận 2, quận 6, quận 8, Bình Chánh và quận 11…

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục