

Minh họa: Nguyễn Tài
Công việc cuối cùng trước lúc giao thừa của Hùng là đi hái lộc. Năm nào cũng vậy, như đã hành lệ, thành nghề, nghề hái lộc. Cả cái ngõ phố này từ người khốn khó đến kẻ có máu mặt cứ đến tết là đặt Hùng đi hái lộc, còn vợ chồng Hùng nhận lời ai là do họ biết cư xử.
Hoa, vợ Hùng, nói: “Cành lộc nhà mình năm ngoái không được tươi, lại toàn là lá già, thiếu cái chất non tơ mơn mởn, để chưa hết ba ngày tết thì đã như cành lá khô, vì vậy cả năm nhà mình làm ăn chưa được thuận. Anh thì thất nghiệp, em thì mất hẳn cái khoản dạy thêm, học thêm”.
Hùng bảo : “Em bảo làm ăn chưa được thuận thì anh đồng ý, nhưng lại bảo vì cành lộc năm ngoái thiếu cái chất mơn mởn thì anh không tin. Bởi vì cả công ty thất nghiệp, có phải riêng gì nhà mình. Mình hãy còn may chán vì anh còn được đi tập đá bóng chứ cứ như cái Nhung kia, cử nhân kinh tế hẳn hoi mà còn phải đi chạy chợ”. Nói vậy nhưng Hùng vẫn nai nịt gọn gàng, quần bò, áo gió, đi giày ba ta. Anh nói: “Xin chào bà chủ, tôi đi chiến đấu đây”, rồi đẩy cửa, một luồng gió lạnh ùa vào. Trời lại lất phất mưa, đêm ba mươi tết năm nay rét ngọt.
Bà Thuần, người hàng xóm, có lẽ đã đứng đón từ lâu để chờ Hùng ra cửa, bà xoắn xỏa:
- Chị đợi mãi, nhất định chú phải giúp chị một cành. Lẽ ra chị phải đặt từ mấy hôm trước, chỉ tại chị bận quá, chú thông cảm.
Thấy Hùng chần chừ lại quay vào cửa như ý hỏi vợ, bà Thuần đon đả tiếp:
- Chú chọn thì chị tin, cành năm ngoái chú cho đẹp ơi là đẹp.
- Chị làm ăn có phát tài không?
- Sao lại không - chị Thuần rỉ tai Hùng - Ba chuyến “đánh” hàng đều thắng. Ông nhà chị gần đến tuổi hưu mà hãy còn được đề bạt quản đốc. Chỗ chú, chị cứ nói thật, cái nọ hỗ trợ cho cái kia, không có tiền sao có chức.
- Năm ngoái cành lộc nhà em tặng chị có đẹp không?
- Ới giời, quên đi, trông nó lung linh, hạt sương đọng trên lá lộc cứ như hạt vàng, hạt ngọc.
- Vậy mà nhà em nói trông như cành củi khô chị ạ.
- Đừng có nói xấu người ta nhé - Hoa đang ở trong nhà, thấy nói chạm tới mình liền nhảy tốc ra - Ai bảo anh là cành củi khô nào?
Thấy chồng đứng ngẩn ra, Hoa lại nói:
- Khổ thân nhà em, năm nào cũng vậy, gió bấc mưa phùn như thế này mà cũng cứ phải đi làm nghĩa vụ.
Không biết từ năm nào sinh ra cái trò hái lộc ở chùa vào đúng lúc giao thừa, cái lệ đó người nọ truyền người kia, đời này truyền đời khác. Không biết từ bao giờ, ở cái phố này người ta chỉ tin Hùng đi hái lộc. Có lẽ bởi tính anh thật thà, làm ăn chân chất, lại giữ đúng lời. Hùng nghĩ, không biết từ chốn tâm linh kia có sức mạnh huyền bí nào làm người ta tin đến như vậy.
- Nói thực, cành lộc của chú, tôi tin - bà Thuần nói - vì nó hái đúng ở chùa. Còn cành của người khác thì chỉ vặt ở bờ ở bụi. Chốc nữa giao thừa mấy đứa quân ông ấy đến nhà tôi tặng cành lộc, nhưng ông nhà tôi chỉ lấy mỗi cành lộc của chú để lên bàn.
Mặt Hoa đỏ lên trông xinh xắn lạ thường, cô đứng nép vào chồng, lòng phơi phới. Hùng lại nói: “Xin chào mọi người, tôi đi chiến đấu đây”.
Sân chùa người đã chật cứng. Từng tốp thanh niên chen vai thích cánh đứng đợi giao thừa. Họ bông đùa sàm sỡ. Hàng cây xanh quanh chùa đang cho lộc xanh, Hùng biết, chỉ lát nữa thôi nó sẽ trở nên xơ xác.
Trong chùa, tiếng mõ đều đều, hương khói nghi ngút. Những nén nhang cắm rải rác ở các gốc cây. Cái biển có dòng chữ: “Hãy bảo vệ cây xanh” bị ám khói hương trở nên xỉn màu. Người coi chùa thỉnh thoảng lại phải nhổ bớt những nén nhang liên tục được cắm vào cái bát nhang to tướng ở chính gian giữa.
Hùng cố chen vào thắp bằng được một nén nhang để xin lộc, cái lệ ấy không năm nào anh bỏ qua. Một tiếng quen quen giật dội ở phía sau: “Làm gì mà ép người ta dữ vậy?”. Hùng quay lại, hóa ra cô Nhung, người cùng cơ quan. Gặp nhau ở hoàn cảnh như thế này Nhung có chút bẽn lẽn, nhưng Hùng lại rất ân cần, anh dấn lên che người bảo Nhung vào thắp hương.
Nhung ngước mắt thầm cảm ơn anh rồi tiến về phía bát nhang, miệng cô đang lầm rầm khấn những gì mà chỉ có cô nghe được, mắt chớp liên hồi, thỉnh thoảng lại ngước lên bát nhang cầu khẩn…. Bỗng “Ối” một tiếng, cô ngã dúi vào ngực Hùng, Hùng nhanh tay đỡ cô bạn dậy, anh trêu: “Giờ này đâu phải là của phái nữ, chân yếu tay mềm”. Nhung gượng cười, đôi mắt to và sâu thẳm ấy lại ngước lên cảm ơn anh, Hùng nắm tay bạn kéo đi. Ra đến cửa cả hai cùng đứng thở vì ngạt khói. Hùng nói:
- Lần sau đi lễ ba mươi tết em phải đi từ sớm, giờ này toàn cánh đàn ông khỏe mạnh đi vặt cây, nó chen cho bẹp ruột.
- Nhưng mà em cũng đi hái lộc.
- Hái lộc? Em có biết hái lộc có nghĩa là phải chiến đấu như thế nào không? - Hùng khoát tay chỉ từng tốp đứng xung quanh chùa - Toàn đô vật cả đấy, họ cũng hái lộc đấy, còn mấy cô gái õng ẹo kia chỉ là đi để trang trí cho vui thôi.
Hùng cũng thấy lạ, một cô gái sống âm thầm lặng lẽ ở cơ quan là vậy ai ngờ cũng hòa vào cuộc sinh hoạt sinh động đến như thế này.
- Anh ơi, nhìn mấy thằng đầu húi trọc kia, em sợ lắm - Giọng Nhung run run - Mà lộc ít thế kia thì sao đủ cho ngần này người kia chứ.
Bấy giờ Hùng mới để ý đến hàng cây lưa thưa, còm cõi quanh chùa, vì năm nào nó cũng bị vặt trụi lá đến không kịp lớn. Chỉ trừ mấy cây cổ thụ không biết có từ đời nào mà nó sống qua được những thời gian khắc nghiệt như thế để trở thành cổ thụ, rễ nó đâm xuống tua tủa như bao bọc lấy thân cây. Hùng nghĩ, hay là ngày xưa, người ta chưa biết đi hái lộc. Ngày xưa, con người mới chân chất làm sao, còn hôm nay, cứ là của chùa thì lòng tham trở nên vô độ, cả đến cô Nhung đây còn biết đi kiếm lộc chùa.
- Thằng Tư đâu mà em phải đi hái lộc? - Giọng Hùng có chút giận dữ.
- Nhà em ốm lắm, ốm gần năm nay rồi. Thằng cháu lớn ra trường cũng đến một năm nay mà chưa xin được việc.
Bất giác một cô Nhung mảnh mai, kín đáo đến âm thầm, ra vào cơ quan như một cái bóng hiện ra trước mắt anh, ai biết được trên đôi vai gầy ấy đang phải chịu một gánh nặng đến lạnh người. Anh thở dài hỏi Nhung xem đã có hướng gì để lo công việc cho con, lo chạy chữa cho chồng.
- Thì em cũng đến vái tứ phương anh ạ.
- Kể cả hái lộc? - Hùng phì cười.
- Thì em cũng cầu xin các ngài, anh ơi – Bỗng Nhung ngước đôi mắt sâu thẳm nhìn Hùng - Anh giúp em nhé?
Hùng giật mình, nghĩ bụng, mình còn đang viêm màng túi, còn biết giúp gì cô ta bây giờ.
- Anh giúp em hái cành lộc kia kìa.
Hùng nhẹ người, thở hắt ra.
- Anh ơi, em biết anh có tay hái lộc nhưng chẳng dám nhờ - Nhung nói - Cái khó nó bó cái khôn anh ạ!
- Sợ phải trả tiền thuê hả?
- Cũng không hẳn thế, nhưng nhìn cảnh này thì sợ quá, may lại gặp được anh.
Nhìn theo tay Nhung chỉ, một cành lộc chĩa ra từ thân cây còi cọc, thấp tè. Chắc năm nào cái cây cũng là nạn nhân của nạn hái lộc nên không lớn nổi, chỉ còn kịp thời gian cho ra lộc non. Cành lộc Nhung chỉ nó lại trồi lên trên những cành non khác trông hấp dẫn lạ.
- Nhung có biết cành lộc em chỉ kia có bao nhiêu con mắt đã để tâm không, họ nhận phần bằng “mắt” rồi đấy.
- Hay là thôi anh ạ.
- Sao lại thôi, nếu vì nhờ nó mà em có vận may thì yên tâm đi.
Hùng bảo Nhung đứng đợi, anh tiến về phía cái cây có lộc non, không áp sát mà đứng theo tư thế hổ rình mồi. Kinh nghiệm hái lộc nhiều năm nay là chỗ ấy. Tiếp cận mục tiêu nhưng không gần kề. Chỉ chốc nữa thôi, khi chiếc chuông chùa điểm báo giao thừa thì lập tức có một cuộc xô đẩy khủng khiếp. Giao thừa năm ngoái anh đã bị trầy khuỷu tay mới hái được lộc.
Lộc thì phải hái đúng giao thừa, theo phong tục như thế mới thiêng. Lộc lại phải hái đúng cây của chùa mới cho tài cho lộc. Vì thế, người ta mới đổ xô đến chùa. Qua giao thừa, cây trụi hết lá, nhưng chỉ sau mấy ngày xuân, cây lại đâm chồi. Người ta bảo cây chùa thì không khô, của chùa thì vô tận. Hùng trộm nghĩ, đấy là nhờ mùa xuân, nếu không có mùa xuân thì cây cối nào chịu được đám quân tàn phá này.
Khi chiếc kim phút trên chiếc đồng hồ đeo tay ở tay Hùng chập làm một với kim giờ ở con số 12, tiếng chuông chùa boong boong điểm giao thừa. Như hiệu lệnh xuất phát người ta xô đến mục tiêu. Cành lộc ban nãy Nhung chỉ bị rung lên, chao đảo. Những cánh tay giơ lên, chới với, rồi lại bị đẩy ra xa. Hùng lùi lại nhưng là trong tư thế rình mồi. Khi các đám người kia gần như bị bổ ngửa là lúc anh xông tới. Một cánh tay như sắt chém mạnh vào tay anh, bàn tay trái sã xuống thì vừa lúc tay phải của anh đã bẻ gọn cành lộc.
Hùng giơ thật cao cành lộc để đỡ bị giập, tìm cách thoát ra ngoài đám đông trong tiếng chửi rủa ầm ĩ và có cả tiếng khen, thán phục thao tác nhanh gọn của Hùng. Về thương tích, Hùng chỉ bị đứt mấy chiếc cúc áo, người không bị xây xát. Anh mang cành lộc đến chỗ Nhung trong ánh mắt tiếc nuối của mọi người. Mặt Nhung rạng lên như được của, nhưng khi nhìn thấy hàng nút của Hùng bị đứt cô lại tần ngần:
- Anh ơi, em làm khổ anh quá phải không?
- Nhung về đi – Hùng nói – Anh chúc em năm mới thật tốt đẹp.
- Nhưng mà anh vất vả quá.
- Về đi - Hùng tỏ ra ân cần - Hạnh phúc chứ em, chí ít là lúc này.
Nhung nâng cành lộc trên tay, không phải, cô đang ôm lấy nó, đôi vai gầy so lại, lụi cụi đi về. Cái niềm vui đầu tiên của năm mới đến với Hùng dù nhỏ nhoi nhưng là hạnh phúc hiếm hoi.
Chưa bao giờ người ta đi hái lộc nhiều như năm nay, người thì vì phú quý mà sinh lễ nghĩa, người thì kiếm vận may, họ hy vọng ở chốn tâm linh này. Hùng còn phải kiếm dăm cành lộc nữa để cho mấy người đã hẹn từ trước tết, nhưng vì người đông quá, anh chưa nghĩ ra cách kiếm ở đâu cho đủ. Giả sử chỉ mỗi người một cành thôi thì quanh chùa, những hàng cây gầy guộc kia cũng không phân lộc đủ cho mọi người. Dù có kinh nghiệm nhưng anh vẫn ái ngại nhìn cảnh chen nhau, có người được cành lộc ở ngoài cổng chùa chỉ còn trơ cành, có cành thì dập nát. Mấy thanh niên nhổ cả một nửa cây non mang về, trông họ hí hửng, nghênh ngang, tự đắc.
Hùng đang tần ngần vì thất vọng thì bỗng “rắc” một tiếng, cây đổ rào rào. Cả cành đa to rơi uỵch xuống cùng với ba, bốn thanh niên, con dao rựa văng ra đất. Cả sân chùa lặng đi, rồi mọi người ồn ào xúm lại. Tiếng “Mô Phật” vô vọng của mấy nhà sư vòng quanh đám đông.
Cảnh tượng thật kinh khủng. Mấy người tưởng là nằm bất tỉnh bỗng lồm cồm bò dậy, cười phá lên. Hóa ra họ đều túm rễ cây để tụt xuống đất nên mới an toàn. Sự bất tỉnh giả vờ ấy là để dọa mấy cô em, thế là mọi người trở lại với nhiệm vụ của mình, lại rào rào như tằm ăn rỗi. Hùng bẻ một cành to, từ cái cành to tướng chiếm cả một góc sân chùa, phải một cành to như vậy mới đủ lộc cho mọi nhà, nhưng Hùng vừa đặt cành cây lên vai thì có một tiếng ở phía sau lạnh lùng:
- Anh Hai, tham dữ vậy… Nó là mồ hôi, cả máu của đàn em nữa đấy.
- Vậy là…
- Thì chi ra, lộc mà!
Hùng nắn túi rồi đặt vào tay thằng có cái đầu trọc tờ bạc năm mươi ngàn.
- Cảm ơn, chúc ông anh có tài, có lộc.
Dù sao anh cũng thấy nhẹ nhõm, thế lại hay, lại sòng phẳng, Hùng vác cành đa vừa đi, vừa huýt sáo, mãn nguyện với chiến lợi phẩm của chùa, mà của chùa thì vô tận, vì thế tiền chùa người ta mới xả láng cho sướng tay.
Hôm ấy, những ai đặt Hùng đi hái lộc đều được toại nguyện, mỗi nhà tự chọn một cành, lại được tự hái trên vai Hùng, tha hồ chọn cành đẹp. Vợ Hùng thì nói: “Mình thấy em góp ý có đúng không, cành năm nay đẹp hơn cành năm ngoái nhiều. Trông cứ mơn mởn, mình nhìn mà xem, từng giọt nước trên lá nó cứ như là hạt ngọc, hạt vàng”.
Hùng nằm khểnh trên giường, chân nọ vắt đầu gối chân kia, ngoe nguẩy. Khung cảnh hái lộc chùa còn rào rào trong óc. Người ta cứ tìm chốn hư vô, kiếm của chùa, tiêu tiền chùa. “Vô lý thật” - Hùng nghĩ.
- Anh nghĩ gì vậy? - Cô vợ hỏi.
- Mình cũng vô lý thật.
- Anh nói gì vậy?
Hùng cười, cười rõ to rồi lại nghĩ : “Chả lẽ cái vô lý nó bám theo ta suốt một cuộc đời”.
TRẦN NGỌC HOÀNG
(SGGP Thứ bảy)