Hôm qua 10-5, thời tiết trên cả nước tiếp tục diễn biến thất thường. Trong khi miền Trung xuất hiện mưa trên diện rộng giúp “hạ nhiệt” sau hơn một tuần xảy ra nắng nóng gay gắt thì tại TPHCM tình trạng nắng nóng vẫn tiếp tục khiến số người mắc các bệnh do thời tiết tăng cao. Đặc biệt, tại miền Bắc đã xảy ra nhiều trận dông, lốc lớn gây thiệt hại nặng.
- Hạn chưa qua, lốc đã tới
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do không khí lạnh tràn về đột ngột giữa đợt nắng nóng dữ dội, nên vào sáng 10-5, ở miền Bắc đã xảy ra nhiều trận dông, tố, lốc lớn, gây thiệt hại nặng về nhà cửa và lúa, hoa màu của người dân. Đi kèm dông, lốc là mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng toàn khu vực Bắc bộ. Một vài nơi thuộc miền núi còn có mưa đá.
Cụ thể tại tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa, dông lốc trên khắp địa bàn các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên, Mường Khương và TP Lào Cai vào đêm 9 và sáng 10-5. Cơn lốc với cường độ mạnh đã gây thiệt hại nặng cho hàng ngàn nhà dân, trường học, bệnh viện. Theo thống kê sơ bộ, lốc đã làm sập đổ, hư hỏng gần 1.300 ngôi nhà và toàn bộ mái nhà của trường tiểu học xã Cán Cấu (Si Ma Cai). Ước tỉnh tổng thiệt hại trên địa bàn khoảng 5 tỷ đồng. Hai địa phương thiệt hại nặng nhất là TP Lào Cai và huyện Bát Xát. Đây được coi là cơn lốc lịch sử, có tốc độ gió cấp 10, 11 và giật cấp 12 - mạnh nhất từ khi tái lập tỉnh Lào Cai đến nay.
Tương tự, rạng sáng hôm qua, địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xảy ra lốc làm hàng trăm nhà dân, trường học bị tốc mái và hư hỏng nặng. Đặc biệt, tại huyện Bảo Lâm gần 100% số xã bị lốc quét qua.
* Trong khi đó, tại xã Quế Lâm ở huyện miền núi Nông Sơn tỉnh Quảng Nam, vào trưa 10-5 đã xảy ra cơn lốc lớn gây thiệt hại nặng. Ông Lê Đức Thịnh, Phó Chủ tịch HĐND xã Quế Lâm cho biết, qua thống kê sơ bộ, cơn lốc đã làm 2 học sinh bị thương, hơn 100 ngôi nhà bị tốc mái. Nhiều trường học, nhà họp dân, công sở nơi tâm lốc đi qua đều bị thiệt hại. Thầy Nguyễn Đức Anh, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Quế Lâm II, nói thêm: Lốc xoáy và cuộn mạnh cuốn bay mái 4 phòng học cùng xà gồ, các thiết bị dạy học.
Như vậy, chỉ trong vòng 20 ngày vừa qua trên địa bàn huyện Nông Sơn đã xảy ra 3 trận gió lốc gây thiệt hại nặng về nhà cửa, công sở, trường học… ước tính thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
- Miền Trung có mưa
Sau hơn 1 tuần lễ xảy ra nắng nóng gay gắt, chiều 10-5, trên địa bàn các tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi) đã xuất hiện mưa trên diện rộng. Cơn mưa rào gần 3 giờ đồng hồ diễn ra tại Quảng Bình đã kéo nền nhiệt 40°C từ những ngày trước xuống 35°C. Người dân hết sức phấn khởi bởi những ngày nắng nóng, người dân sống ở các cù lao sông Gianh phải mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m³.
Mừng nhất là nông dân vùng sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu sông Bồ, thuộc các huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền vốn bị khô hạn nặng nhiều tháng nay do thủy điện Hương Điền (ở thượng nguồn sông Bồ) tích nước kéo dài
Theo ông Đỗ Thái Lân, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, đây là đợt mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống. Mưa xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành miền Trung với lượng mưa từ 10-15mm, có nơi từ 50-70mm. Đợt mưa này đã bổ sung nguồn nước cho hầu hết các sông lớn ở miền Trung bị nhiễm mặn nặng trong thời gian qua, giúp các trạm bơm có thể hoạt động trở lại cung cấp nước tưới cho trên 5 vạn ha lúa vụ hè thu đang chuẩn bị xuống giống.
- Đua nhau... nhập viện vì nắng nóng
Ghi nhận ngày 10-5 tại một số bệnh viện ở TPHCM cho thấy rất đông bệnh nhân đến khám và nhập viện. Trong đó, số người mắc các bệnh do thời tiết nắng nóng như hô hấp, tiêu chảy, suy nhược, huyết áp tăng đáng kể.
Tại BV Nhi đồng 2, số lượt trẻ đến khám bệnh ngoại trú và nhập viện điều trị luôn trong tình trạng quá tải với hơn 3.500 bệnh nhi. Theo BS Vũ Quang Vinh, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, có hôm bệnh viện khám cho hơn 5.000 bệnh nhân. Tình hình trẻ mắc bệnh tay chân miệng, viêm màng não vẫn ở mức cao. Trong ngày hôm qua, bệnh viện điều trị cho 40 trẻ bị tay chân miệng, trong đó có 10% bị biến chứng độ 3. Số trẻ em bị viêm màng não điều trị nội trú lên tới 20 ca, trong đó nhiều em bị biến chứng nặng.
Còn tại khoa Tiêu hóa, số trẻ mắc các bệnh tiêu chảy vẫn chưa giảm. Các bác sĩ cho biết do chỉ có 80 giường bệnh, trong khi bệnh nhi có hôm lên tới cả trăm em nên không ít em phải nằm ngoài hành lang. Còn tại BV Nhi đồng 1, tình hình quá tải thấy rõ khi dọc lối đi của khoa Nhiễm - Thần kinh, khoa Hô hấp đông nghịt bệnh nhi đợi đến lượt khám và sàng lọc nhập viện. Theo ghi nhận, sáng 10-5, hầu hết bệnh nhi đều ở các tỉnh chuyển lên, trong đó đa số ngụ các tỉnh ĐBSCL.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, khuyến cáo trong những ngày nắng nóng, phụ huynh nên giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Nếu trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì phải cách ly ở nhà, tránh lây lan cho các bạn đồng lứa. Khi thấy bé giật mình, chới với, cha mẹ cần đưa đến bệnh viện ngay vì đó là dấu hiệu bệnh đã trở nặng.
Giải thích nguyên nhân lượng bệnh gia tăng, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết, nhiều loại dịch bệnh đang vào mùa và do những đợt nắng nóng kéo dài đã tạo điều kiện cho dịch phát triển. Đáng báo động là tình trạng bệnh tay chân miệng ở trẻ em tăng 31%. Hiện dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát. Thông thường đỉnh điểm của dịch rơi vào tháng 10, nhưng năm nay chỉ mới tháng 5 số lượng bệnh nhân nhập viện đã tăng vọt. Riêng bệnh viêm màng não đang ở đỉnh điểm của dịch, số trẻ mắc bệnh sẽ còn tăng nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng như hiện nay.
Trong khi đó, số người già suy nhược do ăn uống kém, tăng huyết áp, đột quỵ cũng có chiều hướng gia tăng. Ngày 10-5, khoa Nội Thần kinh - BV Cấp cứu Trưng Vương điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân, trong đó rất nhiều bệnh nhân đột quỵ phải nằm trong phòng cấp cứu. Trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân lớn tuổi đến khám và nhập viện tại các BV Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân Gia Định, BV Bệnh nhiệt đới cũng tăng lên đáng kể.
Trận mưa lớn kéo dài sáng qua đã làm nhiều thành phố miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định ngập nước, giao thông ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, trận mưa đã cung cấp một lượng nước trữ cho các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và hàng trăm hồ chứa nước thủy lợi, góp phần hạn chế nguy cơ thiếu điện mùa hè và thiếu nước tưới cho trà lúa xuân đang trổ đòng. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, hôm nay 11-5, mưa ở miền Bắc sẽ giảm dần nhưng không khí lạnh có thể khuếch tán vào miền Trung và Tây Nguyên. Do vậy, miền Trung, Tây Nguyên có thể xảy ra mưa lớn. Sau đó, nền nhiệt độ sẽ tăng trở lại, cả nước lại vào đợt nắng nóng mới. |
Nhóm PV