(SGGP).- Logistics có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia. Ở các nước phát triển, chi phí logistics chiếm 8-12% GDP; trong khi đó, ở Trung Quốc là 19% GDP, Việt Nam là 20% GDP, thậm chí có nước đến 30% GDP. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đang chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động logistics nhằm giảm thiểu chi phí.
Thực trạng logistics ở Việt Nam
Theo UNESCAP (Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương), logistics là việc quản lý dòng chu chuyển và lưu kho nguyên vật liệu, quá trình sản xuất, thành phẩm và xử lý các thông tin liên quan từ nơi xuất xứ đến nơi tiêu thụ theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, ở nước ta, khái niệm logistics chưa được hiểu một cách đúng đắn, cho rằng logistics là hậu cần, hoặc đơn thuần là sự kết hợp giữa vận tải và kho bãi. Chính vì vậy, nhiều DN ở Việt Nam còn xem nhẹ vấn đề logistics.
Năm 1997, Việt Nam mới có văn bản pháp luật đầu tiên định nghĩa về hoạt động này tại Luật Thương mại: “Dịch vụ logistics được định nghĩa là tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc, bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.
Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Việt Nam chỉ có một vài DN giao nhận quốc doanh, đến nay đã có 800-900 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong đó, Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS) có 97 hội viên (77 hội viên chính thức và 20 hội viên liên kết). Logistics là một ngành dịch vụ đầy tiềm năng ở Việt Nam, với tốc độ phát triển trung bình 20%/năm. Chính sự hấp dẫn này nên thị trường logistics Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết các tập đoàn logistics lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, lĩnh vực quan trọng nhất trong logistics là vận tải biển. Hiện nay có đến 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, các DN trong nước mới chỉ đáp ứng chuyên chở được 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu; phần còn lại do các công ty logistics nước ngoài nắm giữ.
Năm 2009, Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam đứng hạng 53 thế giới và hạng 5 trong khu vực ASEAN về hiệu quả hoạt động logistics. Tuy nhiên, ngành logistic ở Việt Nam vẫn chưa được các DN khai thác hết tiềm năng. |
Việt Nam có nhiều DN dịch vụ logistics nhưng đa phần là DN nhỏ, chỉ dừng lại ở vai trò cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các hãng nước ngoài trong chuỗi hoạt động, như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi. Chính quy mô vốn nhỏ nên các DN logistics Việt Nam bị hạn chế khả năng mở rộng và khó có thể chen chân được vào thị trường logistics thế giới. Hơn nữa tầm hoạt động của các DN Việt Nam chỉ trong phạm vi nội địa hoặc sang một vài nước trong khu vực, trong khi các công ty nước ngoài hoạt động cấp độ toàn cầu.
Đó là chưa nói đến chuỗi logistics hiện đại mà các công ty lớn đang cung cấp cho khách hàng của mình lại có rất nhiều dịch vụ đa dạng như: giao tận nhà, kiểm soát chất lượng hàng hóa, container treo dành cho hàng may mặc, quản lý dữ liệu và cung cấp dữ liệu đầu cuối cho khách hàng, quét và in mã vạch, theo dõi kiểm hàng thông qua mạng… Trong khi DN logistics Việt Nam chỉ có một vài dịch vụ đơn giản.
Cuộc cạnh tranh không cân sức
Tiềm năng của ngành logistics Việt Nam rất lớn nhưng các DN trong nước chưa khai thác được, một phần do ra đời muộn hơn nhiều so với các công ty logistics trên thế giới như Maersk Logistics, Schenker Logistics, NYK Logistics… Do đó, các công ty logistics nước ngoài đã có một cơ sở hạ tầng lớn hơn so với các DN trong nước.
Phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là xuất hàng theo điều kiện FOB, chỉ cần bán hàng qua lan can tàu tại cảng bốc hàng, nên đã loại bỏ các DN logistics Việt Nam khỏi cuộc chơi vì bên nhập khẩu có xu hướng sẽ chọn một công ty logistics tại nước của họ để thực hiện việc vận chuyển tiếp theo. Hơn thế, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng gia công cho các tập đoàn lớn.
Trong khi đó, các tập đoàn này lại có mối liên kết chặt chẽ với các hãng logistics nổi tiếng trên thế giới, nên các DN logistics trong nước rất khó cạnh tranh. Lĩnh vực nhập khẩu là một cơ hội cho các DN logistics Việt Nam khi hình thức mua hàng theo điều kiện FOB. Tuy nhiên, phần lớn miếng bánh này đang nằm trong tay các hãng logistics nước ngoài do có nhiều công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam và họ cũng là những người nhập khẩu nhiều nhất.
Hiện nay, cả nước có khoảng 150 cảng, trong đó có 49 cảng biển. Hầu hết các cảng biển của Việt Nam đều không đáp ứng cho tàu có trọng tải trên 50.000DWT ra vào làm hàng. Một số cảng lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn lại nằm ở cửa sông và cách biển từ 30-90km, gây bất lợi cho tàu lớn cập cảng. |
Hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn yếu và thiếu. Điều này làm tăng chi phí logistics của Việt Nam hơn các nước khác. Xét về vận tải biển - ngành vận tải chủ chốt trong logistics Việt Nam thiếu cảng nước sâu cho tàu lớn vào. Mặc dù hầu hết các cảng biển Việt Nam đều có hệ thống đường ô tô nối liền với đường bộ quốc gia song các tuyến đường này thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ách tắc.
Một số cảng nằm ở khu đô thị, khu dân cư nên tình trạng giao thông bị ngưng trệ, chỉ hoạt động được ban đêm nên hạn chế năng suất của các cảng. Về công nghệ bốc xếp, trừ một số bến cảng như Chùa Vẽ (Hải Phòng), Tiên Sa (Đà Nẵng), Tân Cảng, VIC, Bến Nghé, Tân Thuận (TPHCM) đã trang bị một số phương tiện thiết bị xếp dỡ hiện đại, chuyên dụng container, còn lại hầu hết các cảng biển Việt Nam chủ yếu sử dụng thiết bị bốc xếp thông thường, thô sơ hoặc cần cẩu tàu là chính. Năng suất xếp dỡ của các cảng ở Việt Nam bình quân mới đạt 8-10 container/h (bằng 1/3 so với các cảng trong khu vực).
Vì vậy, chi phí vận tải biển, bốc xếp của Việt Nam tăng cao và không có tính cạnh tranh trong khu vực. Đặc thù của hoạt động logistics là liên quan đến sự quản lý của nhiều bộ ngành như giao thông vận tải, thương mại, hải quan... Trong khi đó, các bộ ngành ở Việt Nam lại ban hành một quy định riêng và đôi lúc còn mâu thuẫn với nhau, gây ảnh hưởng đến hoạt động logistics.
PHÒNG PHÂN TÍCH CTCK CHỢ LỚN