Bổ sung dinh dưỡng bằng thịt cóc

Lợi bất cập hại

Lợi bất cập hại

Gần đây, trên đường phố Sài Gòn xuất hiện nhiều xe bán cóc rong. Tuy thịt cóc có nhiều chất đạm cần thiết cho cơ thể nhưng nguy cơ ngộ độc từ trứng, mật, gan, da cóc cũng rất cao, dễ dẫn đến tử vong. Giữa lợi và hại, cần xem lại thói quen bổ sung dinh dưỡng từ thịt cóc.

  • Không quá bổ dưỡng
Lợi bất cập hại ảnh 1

Theo Đông y, thịt cóc có giá trị dinh dưỡng với hàm lượng protein 22% tương đương với thịt ếch, thịt gà nên thường được dùng  kết hợp với ý nhĩ, trần bì, hạt sen để làm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ gầy yếu, biếng ăn, suy dinh dưỡng. Một vài tài liệu ghi nhậân trong protein của thịt cóc có chứa các acid amin có giá trị như  asparagin, histidin, acid glutamic, methionin, lycin isoleucin, cystein.

Thịt cóc cũng có kẽm nhưng hàm lượng không bằng trong các loại hải sản như hàu, nghêu, sò, ốc, hến; có sắt nhưng hàm lượng không bằng trong gan bò, heo. Hiện cũng chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ sự vượt trội về giá trị dinh dưỡng của thịt cóc so với các thực phẩm thông thường như heo, bò, gà, cá…

Như vậy, thịt cóc không quá bổ dưỡng đến mức các bậc cha mẹ phải chấp nhận rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng của con trẻ để bổ sung dinh dưỡng từ thịt cóc.

  • Độc chất bufotoxin

Chất độc bufotoxin gây chết người ở cóc chứa trong mụn cóc, trứng, mật, gan, mắt, hạch thần kinh dọc hai sống lưng của cóc. Da cóc thường bài tiết ra một chất nhầy gọi là nhựa cóc (thiềm tô) là độc chất bảng A gây ảo giác, nghẽn mạch nên làm tăng huyết áp. Đặc biệt một số loài cóc còn chứa cả tetrodotoxin, loại độc tố thường gặp ở cá nóc. Ngoài bufotoxin, cóc còn chứa các hợp chất độc khác như bufogin, bufotalin, bufotenin… Chất độc từ cóc khó bị phân hủy bởi nhiệt độ, có thể giết chết 4-5 người khỏe mạnh nếu không được cứu chữa kịp thời.

Các loại độc chất trên tác động lên hệ thần kinh gây hoang tưởng, rối loạn tâm thần; tác động lên tim mạch gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp; tác động lên hệ hô hấp gây ngưng thở, dễ dẫn đến tử vong; tác động lên hệ tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy, tổn thương gan, thận.

  • Khó làm thịt cóc an toàn. Vì sao?

Muốn ăn thịt cóc an toàn cần phải do người có tay nghề làm. Sau khi  làm sạch, loại bỏ hai u tuyến nhựa sau tai, 4 chân, lột bỏ toàn bộ da, không để chất nhớt dính vào thịt, mổ bụng bỏ hết tạng phủ. Rửa thịt cóc ở vòi nước chảy để loại hết các chất độc còn sót lại. Các công đoạn làm thịt cóc nhiêu khê như vậy nên khi làm rất dễ để sót lại độc chất. Vì vậy, việc nhiều người mua thịt cóc làm sẵn từ những người chuyên bán cóc rong là rất nguy hiểm.

Để an toàn, khách hàng chỉ nên mua bột cóc hoặc thịt cóc làm khô dưới dạng ruốc đã được kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, được phép lưu hành. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bổ sung dinh dưỡng dưới dạng sữa, bánh, thức uống… Vì thế, các bậc cha mẹ không nhất thiết phải chọn một loại thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao như thịt cóc để bổ sung dinh dưỡng cho con trẻ.

TRƯƠNG NGỌC THÙY TRANG
(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục