Lời cảnh báo của khí hậu

Khi hành tinh ấm lên bởi biến đổi khí hậu, các khu vực đông dân cư và kém phát triển ở Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi… sẽ là những nơi nóng nhất, có nhiệt độ và độ ẩm cao kéo dài hơn, vượt ngưỡng nguy hiểm mà ngay cả những người trẻ và khỏe mạnh cũng có thể phải vật lộn để tồn tại.

Con số nguy cấp

Theo Washington Post, thành phố Lahore (Pakistan) có thể vượt ngưỡng khả năng sống sót trong 2 hoặc 3 tuần, thậm chí kéo dài hàng tháng mỗi năm vào giữa thế kỷ này. Hơn 40 triệu người ở Pakistan sẽ phải chịu đựng cái nóng nguy hiểm trong hơn nửa năm, trừ khi họ có thể tìm thấy bóng râm. Đây là kết luận từ một nghiên cứu mới nhất của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ.

Nghiên cứu dựa trên ý tưởng rằng có một giới hạn về mức độ nhiệt và độ ẩm mà cơ thể con người có thể chịu được. Ví dụ, theo kịch bản nóng lên thận trọng nhất, Lahore sẽ vượt ngưỡng nhiệt độ và độ ẩm trong 69,5 giờ/năm - gần 9 ngày nếu nắng nóng kéo dài 8 giờ/ ngày hoặc hơn 2 tuần nếu nắng nóng kéo dài 4 giờ/ngày.

Ngoài Lahore, các nhà khoa học còn nhận thấy tại cảng Al Hudaydah của Yemen ở biển Đỏ, những đợt sóng nhiệt gắt như vậy dự kiến sẽ kéo dài 1-2 tháng, hoặc sẽ tồn tại hầu hết thời gian trong năm ở mức cao nhất trong thang dự báo hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Phân phát đồ uống miễn phí cho người dân tại một trong những khu chợ sầm uất nhất ở Jacobabad, Sindh, Pakistan. Ảnh: WASHINGTON POST

Phân phát đồ uống miễn phí cho người dân tại một trong những khu chợ sầm uất nhất ở Jacobabad, Sindh, Pakistan. Ảnh: WASHINGTON POST

Daniel Vecellio, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khí hậu Virginia của Đại học George Mason và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, điều này không có nghĩa là những nơi đó sẽ không thể sống được đối với con người. Nhưng các nơi đó sẽ phải chịu tình trạng khắc nghiệt kéo dài liên tục trước khi tình trạng thời tiết khắc nghiệt cao hơn ập đến.

Mất khả năng tự làm mát

Pakistan là tâm điểm mới của một làn sóng bệnh tật và tử vong toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu - theo phân tích dữ liệu khí hậu của tờ Washington Post dựa trên các nghiên cứu khoa học hàng đầu, các chuyên gia và báo cáo từ một số nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của sự nóng lên của Trái đất.

Washington Post và CarbonPlan - một tổ chức phi lợi nhuận phát triển dữ liệu khí hậu đã sử dụng các mô hình mới và bộ dữ liệu khổng lồ để đưa ra các dự đoán cập nhật nhất về tần suất người dân ở gần 15.500 thành phố sẽ phải đối mặt với cái nóng dữ dội trong ngắn hạn và trong những thập niên tới.

Kết quả cho thấy vào năm 2030, 500 triệu người trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những nơi như Nam Á và Trung Đông, sẽ tiếp xúc với nhiệt độ cực cao trong ít nhất một tháng, ngay cả trong bóng râm. Số người bị ảnh hưởng lớn nhất là 270 triệu người ở Ấn Độ, tiếp theo là gần 190 triệu người ở Pakistan, 34 triệu người trên khắp bán đảo Ả Rập và hơn 1 triệu người ở Mexico và Sudan.

Một nghiên cứu khác chỉ ra các đợt nắng nóng có thể lấn át khả năng tự làm mát của cơ thể. Ở những nơi như châu Âu và Bắc Mỹ, nơi con người không thích nghi được với cái nóng gay gắt, nhiệt độ và độ ẩm có thể vượt ngưỡng khả năng sống sót vài lần trong một thập niên. “Nếu điều đó xảy ra ở châu Âu, thì có thể gây tử vong hàng loạt”, Carter Powis, tác giả chính và là nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, quan ngại.

Theo các nhà nghiên cứu, hàng giờ tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể gây ra bệnh tật hoặc tử vong nếu con người không thể làm mát bản thân. Trong các kịch bản khí hậu, địa điểm và tần suất ngưỡng nhiệt đó có thể bị vượt qua, trong đó nhiệt độ trung bình của hành tinh tăng lên trên mức tiền công nghiệp từ 1,50C đến 40C là khắp các khu vực ở châu Á, Trung Đông và châu Phi. Nổi bật là New Delhi (Ấn Độ), Dammam (Saudi Arabia), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), Bandar Abbas (Iran)…

Ông Fahad Saeed, một nhà khoa học khí hậu thuộc tổ chức nghiên cứu Climate Analytics của Đức tại Pakistan, cho biết, nghiên cứu này nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu ở những nơi còn ít nỗ lực thay đổi. Hậu quả là số người bị ảnh hưởng nặng nề có thể bị đánh giá thấp đáng kể do thiếu nghiên cứu và báo cáo.

Tin cùng chuyên mục