
Trong khi tình trạng bùng nổ xe gắn máy đang là vấn đề nan giải thì thống kê mới nhất từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-Công an TPHCM cho thấy một tình hình khác còn đáng ngại hơn: Mỗi tháng, TPHCM có thêm 3.100 xe hơi mới đăng ký lưu hành. Giao thông bị “đông cứng” là một hiện thực rất gần.
- 5.000 xe “giành” 130 chỗ đậu!
Ông Đinh Quang Hiền, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, bức xúc: “Chúng tôi có 18 đơn vị thành viên với khoảng 6.000 taxi. Đặc thù của taxi là phương tiện vận chuyển công cộng nên không nhất thiết cần bến đỗ mà chỉ cần có địa điểm để dừng, chờ đón và trả khách. Trên cơ sở đó, sau khi Sở GTCC và quận 1 triển khai đề án các tuyến đường cho phép và cấm đỗ xe, cuối tháng 3-2005 chúng tôi đã có kiến nghị xin thêm một số điểm đỗ phân bố trên 49 tuyến đường không thu phí, 13 đường và 5 vỉa hè có thu phí . Tuy nhiên UBND quận 1 chỉ cho có 16 tuyến đường, nhưng lại có nhiều vị trí đỗ không thích hợp. Do đó rất nhiều xe không có chỗ dừng đón trả khách phải thường xuyên mở máy hoặc chạy lòng vòng, vừa hao tốn xăng vừa gây mất trật tự, kẹt xe…”.

Xe gắn máy nhiều và ô tô cũng không ít.
Theo Phòng CSGT đường bộ-Công an TPHCM, trong 5 tháng đầu năm 2005, lượng ô tô đăng ký mới là 15.425 chiếc, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2004. Tức là trong quãng thời gian này, trung bình mỗi tháng TP có thêm 3.100 ô tô mới, mỗi ngày hệ thống giao thông TP có thêm hơn 100 xe hơi lưu hành.
Thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng CSGT đường bộ nhận định, số ô tô đăng ký mới sẽ còn tăng nhiều hơn vào thời điểm thường bùng nổ mua sắm cuối năm dự kiến khoảng 10% (đây cũng là tỷ lệ tăng trung bình lượng ô tô mới ở TPHCM những năm gần đây). Như vậy, có thể tính ra rằng, từ nửa cuối năm 2005 trở đi, trung bình mỗi tháng TP có thể sẽ có thêm gần 3.500 ô tô!
Hiện tại, TP đã có hơn 2,5 triệu xe gắn máy, gần 263.000 ô tô đang lưu hành (chưa kể một số không ít lượng xe từ các tỉnh vào TP). Cứ đà tăng này thì đến năm 2007 toàn TP sẽ có khoảng 400.000 ô tô và nếu tính theo tiêu chuẩn mỗi xe cần chỗ đậu 16m2 thì diện tích đất dành cho xe hơi đậu lên tới 640 ha!
Cũng theo khảo sát của Công an TPHCM, số ô tô 4 chỗ thường xuyên có nhu cầu dừng đỗ trong khu vực quận 1 là khoảng 6.700 xe/ngày đêm, quận 3: 5.000 xe, quận 5: 3.000 xe, quận 10: 2.500 xe… Trong khi đó, chưa tính các “bãi” đậu xe trên lòng đường và vỉa hè, quận 1 chỉ có 6 bãi đậu xe với 432 chỗ và các bãi đậu xe riêng của các khách sạn, cao ốc với 2.460 chỗ.
Theo tính toán của một đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải, TPHCM rất thiếu đất dành cho giao thông (gồm giao thông động và tĩnh). Chỉ tính các quận trung tâm như 1,3,5 diện tích đất dành cho giao thông nhiều nhất nhưng cũng mới chỉ đạt từ 7,8 – 14,2% diện tích đất đô thị. Trong khi tỷ lệ này ở các TP lớn của các nước phát triển thường đạt 20%-25%.
- Giải pháp: Vẫn “ăn xổi ở thì”!
Quận 1, TPHCM |
Theo dự án cấm và cho phép đậu ô tô ở các tuyến đường trên quận 1 có 109 tuyến, đoạn đường cho phép đậu ô tô, tùy theo ngày chẵn, lẻ hay ngày đêm, trong đó có 21 đường cho đậu trên lòng đường và 7 đường cho phép đậu trên vỉa hè có thu phí (việc thu phí được thực hiện từ ngày 8-4-2005).
Và theo tính toán của Khu Quản lý Giao thông đô thị TPHCM (Khu QLGTĐT), các bãi đậu xe dưới lòng đường và vỉa hè tại quận 1 có được từ dự án trên cũng chỉ có khả năng “chứa” được khoảng 3.700 xe 4 chỗ. Nhưng đó là con số tối đa trên lý thuyết, thực tế thì số chỗ đậu thấp hơn nhiều do một số tuyến cấm đậu vào ngày chẵn hoặc lẻ, cấm từ 6 đến 20 giờ. Như vậy, cộng với các bãi đậu xe hiện có thì vẫn còn thiếu so với nhu cầu.
Ông Nguyễn Thế Định, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 cho biết, đến nay, số phí thu được từ các bãi đậu đã làm tăng ngân sách quận hơn 600 triệu đồng. Ông bộc bạch thêm: “Cho đậu xe dưới lòng đường và vỉa hè chỉ là giải pháp tạm thời để hạn chế ô tô vào khu vực trung tâm, về lâu dài nên hy sinh một số khu vực nào đó để xây dựng các bãi đỗ xe, nhất là bãi đỗ ngầm.
Song song với các biện pháp “chữa cháy” trên, chính quyền TPHCM cũng đã nghĩ đến hướng giải quyết căn cơ là xây dựng những bãi đậu xe ngầm. Vào giữa năm 2004, UBNDTP đã ban hành quy chế khuyến khích đầu tư bến bãi đậu xe với nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, quy chế này còn khá chung chung, cộng với quy hoạch của thành phố vẫn chưa ổn định nên nhiều nhà đầu tư còn e ngại, chưa muốn “nhảy vào” xây dựng bến bãi.
Đến nay chỉ có một dự án bãi đậu xe ngầm đang chuẩn bị triển khai, dự kiến cuối năm 2007 mới có thể đưa vào khai thác là bãi đậu xe tại công viên Lê Văn Tám (1.255 chỗ cho ô tô). Còn hai dự án khác vẫn chưa được phê duyệt (tại Công trường Lam Sơn-192 chỗ) hoặc đang trong quá trình khảo sát (tại công viên Tao Đàn-600 chỗ).
Bên cạnh đó, theo đề xuất của Khu QLGTĐT và Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM, có rất nhiều địa điểm có thể xây dựng bãi đậu xe nhưng hầu hết khó khả thi vì nhiều lý do, chủ yếu là chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất được các điều khoản ưu đãi đầu tư… Trong khi để xây dựng bãi đậu xe ngầm phải cần số vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài (hầu hết phải trên 10 năm) nên rất khó thu hút nhà đầu tư. Do vậy, đòi hỏi cấp bách là nhanh chóng thông qua quy hoạch giao thông dài hạn.
Kèm theo đó, là các cơ chế, chính sách, khung pháp lý phù hợp, hấp dẫn thu hút đầu tư để thúc đẩy quy hoạch trên sớm trở thành hiện thực. Trước mắt, biện pháp “tự cứu” chỉ có thể là hạn chế xe (cả ô tô lẫn xe máy) cá nhân. Với biện pháp này, ắt hẳn người dân cũng cần “cảm thông” với chính quyền TP bởi kẹt xe thì tất cả đều phải gánh chịu hệ lụy.
THÁI HOÀNG LIÊM