Lợi dụng san nền thủy điện: “Moi lòng” sông Lam

Để phục vụ việc san lấp các khu tái định cư (TĐC) Dự án Thủy điện Khe Bố (tại huyện Tương Dương), UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép tận thu cát, sỏi dưới lòng sông Lam thuộc dự án thủy điện để phục vụ công tác này. Tuy nhiên, lợi dụng sự cho phép của tỉnh, doanh nghiệp khai thác cát đã ồ ạt “moi lòng” sông Lam đem bán, trong khi đó chính quyền địa phương và nhà máy điện bất lực.  

Để phục vụ việc san lấp các khu tái định cư (TĐC) Dự án Thủy điện Khe Bố (tại huyện Tương Dương), UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép tận thu cát, sỏi dưới lòng sông Lam thuộc dự án thủy điện để phục vụ công tác này. Tuy nhiên, lợi dụng sự cho phép của tỉnh, doanh nghiệp khai thác cát đã ồ ạt “moi lòng” sông Lam đem bán, trong khi đó chính quyền địa phương và nhà máy điện bất lực.  
 
Ngày 23-9-2016, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản cho phép BQL Dự án Thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) khai thác cát, sỏi trong phạm vi lòng hồ nhà máy thủy điện Khe Bố với khối lượng 7.000m3 (thời hạn 1 năm). Khối lượng cát, sỏi này được khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường để xây dựng các khu TĐC của dự án này.

Ngay sau khi có văn bản cho phép, BQL Dự án Thủy điện Khe Bố đã ký hợp đồng ủy quyền khai thác cát, sạn khu vực nói trên cho Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Trường Vinh (Công ty Trường Vinh, trụ sở tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) khai thác. Tuy nhiên, thay vì khai thác đúng, đủ khối lượng cho phép là 7.000m3 phục vụ các khu TĐC, nhờ có “lá bùa” của UBND tỉnh, Công ty Trường Vinh đã khai thác cát, sỏi tràn lan và bán ra ngoài. 

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đã thâm nhập vào khu vực khai thác cát, sỏi tại phạm vi lòng hồ thủy điện Khe Bố. Bà Trần Thị Trung, Giám đốc Công ty Trường Vinh, cho hay, công ty này đang cung cấp cát, sỏi cho nhiều doanh nghiệp xây dựng dự án trên địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn.

“Công ty có 5 tàu hút và ngoài bến này thì còn có bến ở dưới bệnh viện huyện. Nếu đơn vị của các anh cần số lượng nhiều thì tôi sẽ cho dừng các chỗ nhỏ lẻ để ưu tiên, mỗi ngày vài trăm khối cũng đáp ứng đủ. Tưởng làm gấp thì chịu chứ nếu cả năm thì vài chục ngàn khối, tôi lo được”, bà Trung cho biết.

Do được độc quyền khai thác cát ở địa bàn này nên giá cát tại huyện Tương Dương từ 80.000 đồng/m³, doanh nghiệp này đẩy giá lên 150.000 đồng/m³.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ tháng 9-2016, Công ty Trường Vinh đã huy động 5 tàu thường xuyên hút cát tại khu vực sông Lam thuộc xã Thạch Giám với hàng trăm mét khối/ngày, sau đó tập kết tại 3 bãi ở bản Mon và bản Khe Chi (xã Thạch Giám).

Tại khúc cua trên quốc lộ 7 thuộc bản Thạch Dương, các tàu hút cát thay nhau thọc vòi rồng hút cát cách chân quốc lộ khoảng 30m, gây nguy cơ sạt lở cho đoạn đường này. Tại các bãi tập kết cát của Công ty Trường Vinh, mỗi ngày có hàng chục lượt ô tô lớn nhỏ đến mua cát.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết, về việc khai thác cát, sỏi của Công ty Trường Vinh, huyện chỉ quản lý, giám sát về mặt tọa độ, vị trí khai thác và môi trường. Còn đầu ra, khối lượng khai thác bao nhiêu thì huyện không thể nắm được và trách nhiệm này của BQL Dự án Thủy điện Khe Bố. Trong khi đó, ông Phan Thế Chuyền, Giám đốc Nhà máy thủy điện Khe Bố, cho biết, 7 khu TĐC của thủy điện đã cơ bản hoàn thành từ năm 2013 và chỉ còn một ít tuyến đường bê tông nội bản chưa xong.

Trong văn bản ủy quyền khai thác, BQL thủy điện chỉ cho phép Công ty Trường Vinh khai thác bán cho bên thủy điện với giá 80.000 đồng/m³ để xây dựng các con đường còn dang dở tại các khu TĐC và những hộ dân trong khu TĐC có nhu cầu, chứ không được bán ra ngoài. Ông Chuyền thừa nhận, phía thủy điện rất khó giám sát khối lượng cát Công ty Trường Vinh khai thác. “Chúng tôi sẽ làm việc lại với công ty này để yêu cầu họ thực hiện đúng cam kết”, ông Chuyền nói.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục