Công nghệ sinh học Ấn Độ

Lời giải cho bữa ăn của 1 tỷ dân

Lời giải cho bữa ăn của 1 tỷ dân

Nếu trong tương lai gần, cơm cho 1,3 tỷ người Trung Quốc được nấu từ những hạt gạo chuyển gien thì Ấn Độ cũng đang tìm cách cấy gien kháng sâu bọ cho trái cà tím, vốn là thức ăn phổ biến của 1 tỷ dân nước này…

Lời giải cho bữa ăn của 1 tỷ dân ảnh 1

Cà tím chuyển gien kháng sâu bọ.

Loại cà tím đó có tên gọi brinjal, vốn là thành phần cơ bản của món ăn chay truyền thống baigan bharta, được nấu với đậu, củ hành, cà chua, ớt xanh, cộng thêm vài thứ gia vị như ớt đỏ, bột nghệ… Việc cấy gien kháng sâu bọ mở đường cho việc trồng cây cà tím trong năm nay. Tiếp đó sẽ là đậu phộng, khoai tây và đậu cajan.

Với số dân chỉ thua Trung Quốc, Ấn Độ hoàn toàn có lý do để nhờ tới công nghệ sinh học nhằm đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho 1 tỷ dân của mình. Ở Ấn, nông nghiệp chiếm 23% tổng sản phẩm quốc dân GDP, 67% dân số thu nhập nhờ nông nghiệp. Nhà nước giữ vai trò đầu tàu trong việc nghiên cứu 14 loại cây trồng và sản phẩm có lợi ích công cộng lớn như cà tím, bông vải, bông cải chou-fleur, đậu phộng, ngô (bắp), cải hạt dầu colza, khoai tây, lúa, cao lương, cà chua…
 
Khác với Bắc Mỹ hoặc các nước Tây Âu, nơi mà các loài cây chuyển gien thường được nghiên cứu với mục đích tạo khả năng kháng chất diệt cỏ, ở Ấn Độ, các nhà nghiên cứu quan tâm tới tính chống sâu rầy và dịch bệnh, vốn là hai nguyên chính gây nên thiệt hại cho vụ mùa tại một nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Ấn Độ, cũng như khả năng chịu hạn, chịu mặn của cây…

Đậu phộng là nguồn cung cấp dầu ăn chủ yếu cho dân Ấn. Một ký đậu phộng cung cấp một lượng năng lượng tương đương 2 ký thịt bò. Từ đó dễ hiểu lý do Ấn Độ mong muốn cải thiện đặc tính của loại cây này, cũng như loại đậu cajan vốn là nguồn thức ăn phổ biến cho cả người lẫn gia súc. Các nhà nghiên cứu đã tìm được thứ gien giúp tăng khả năng chịu mặn cho cây đậu phộng. Những nghiên cứu này mang lại lợi ích cho người nghèo, vì vậy được công chúng Ấn Độ tiếp nhận dễ dàng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không cần có sự kiểm tra nghiêm ngặt và sự thảo luận rộng rãi. Tháng 3-2005, Chính phủ Ấn Độ đã công bố rộng rãi chiến lược phát triển quốc gia về công nghệ sinh học để thu nhận ý kiến đóng góp của dân chúng. Theo tài liệu này, những hướng ứng dụng công nghệ sinh học được ưu tiên là: tăng năng suất cây trồng; tăng khả năng chống lại sâu bọ và dịch bệnh, chống lại những thay đổi của môi trường không do nguyên nhân sinh học (abiotique); nâng cao chất lượng và thời hạn bảo quản.

Cây lúa sẽ là đối tượng nghiên cứu hàng đầu trong những năm tới. Từ tháng 6-2005, Ủy ban Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ và Viện Lúa thế giới ở Philippines có kế hoạch chi 32 triệu đô la, thời gian 4 năm, nhằm tìm ra những loại gien giúp cây lúa chịu hạn, chịu mặn, chống được sâu rầy.

Giờ đây, nhiều người nhận ra rằng, công nghệ sinh học Ấn đang phát triển với tốc độ không thua kém gì ngành công nghiệp hàng không và ngành viễn thông…

NGUYỄN QUỐC
(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục