
Dưới cái nắng gay gắt cuối hạ miền Trung, những khu nhà khung thép của Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải thực sự nóng hơn người ta tưởng. Trên bảng công việc của Giám đốc điều hành Lê Quang Tuyến, thời hạn cuối tháng 9 phải hoàn tất lắp đặt khu vực lắp ráp ô tô tải dạng CKD được gạch chân cẩn thận. Vị giám đốc trẻ khẳng định: “Chúng tôi sẽ có lô xe xuất xưởng đầu tiên vào thời điểm đó, dứt khoát như vậy !”.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hỏi các chuyên gia Hàn Quốc tại nhà máy ô tô Chu Lai- Trường Hải
Giám đốc Lê Quang Tuyến phác họa, từ tháng 10, khu liên hợp sẽ bắt đầu xây dựng 10 nhà máy vệ tinh sản xuất phụ tùng cho dây chuyền lắp ráp chính xe CKD. Các sản phẩm giai đoạn đầu là xe tải 1,2 – 3 tấn, xe chở khách 40 – 45 chỗ ngồi, với sản lượng dự kiến năm 2004 ra 6.000 xe và trong năm 2005 ra 25.000 xe.
Giai đoạn 2 đầu tư sản xuất xe ô tô IKD của khu liên hợp sẽ bắt đầu sau tháng 11 và một ngày không xa, những mẫu ô tô con, ô tô du lịch 12 – 24 chỗ ngồi sẽ có thể xuất xưởng tại đây.
Ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải cho biết, nền tảng hình thành dự án khu liên hợp là ý tưởng hợp tác làm ăn của cộng đồng các doanh nghiệp trẻ Việt Nam.
Khu liên hợp đã được đầu tư bằng 100% nguồn vốn trong nước, gồm Công ty TNHH Ô tô Trường Hải (Đồng Nai), Công ty TNHH Thương mại, đầu tư và du lịch Việt Phương (Hà Nội) và Công ty Đầu tư phát triển Kỳ Hà – Chu Lai (Quảng Nam).
“Một dự án gồm cả doanh nghiệp Bắc, Trung và Nam, trong chương trình hợp tác phát triển kinh tế của Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, với mục tiêu cạnh tranh sản xuất ô tô xuất khẩu với chính những liên doanh trong nước và khẳng định sức mạnh cơ khí công nghiệp Việt Nam. Đó là điều mà chúng tôi tin sẽ thành công với những suy tính ở đây”, ông Dương nói như vậy.
Trên tinh thần này, 2 trong 4 mục tiêu lớn mà doanh nghiệp đặt ra là phải cam kết thực hiện chương trình nội địa hóa ô tô theo lộ trình nhà nước vạch ra, tạo nên những mẫu xe ô tô phù hợp điều kiện kinh tế người tiêu dùng Việt Nam; từ đó cạnh tranh được với các hãng liên doanh, hạn chế mức độ tăng giá lâu nay của các tập đoàn trên thị trường.
Nền tảng hành động mà khu liên hợp có được không chỉ bao gồm ý chí như vậy, mà còn gắn với yếu tố kỹ thuật về sản xuất ô tô. Theo ông Dương, lợi điểm đầu tư thứ nhất là toàn bộ công nghệ ở khu liên hợp mang tính tự động hóa cao, chuyển giao từ tập đoàn Kia Hyundai (Hàn Quốc) với cam kết hợp tác lâu dài cho từng sản phẩm cụ thể.
Nhờ đàm phán trực tiếp, tổng kinh phí kế hoạch hợp tác đã giảm hơn 30% so với bình thường, là lợi điểm thứ hai của dự án. Khu liên hợp sẽ có định hướng xuất khẩu dưới sự điều tiết chung của tập đoàn Kia Hyundai và khả năng tiêu thụ nội địa tốt khi chú trọng các mẫu ô tô gọn nhẹ, bắt trúng tâm lý tiêu dùng thị trường, là lợi điểm thứ ba.
Tuy nhiên, một môi trường hấp dẫn sự quan tâm chung vào nền công nghiệp ô tô nội địa hóa mà dự án khu liên hợp ô tô Chu Lai – Trường Hải vạch ra mới chính là tiềm lực lớn để doanh nghiệp tin chắc thành công. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong lần đến thăm khu liên hợp vào đầu tháng 9 vừa qua đã nhìn nhận, đây phải là dự án có tính xúc tác cho hiệu quả khu kinh tế mở Chu Lai, một sản phẩm điển hình của tinh thần hợp tác giữa các nhà doanh nghiệp trẻ với trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Sẽ không có gì tốt hơn khi các doanh nghiệp cùng quan tâm dự án này để chung sức tăng tốc ngành cơ khí, công nghiệp ô tô với chất xám Việt Nam. Điều không hẹn mà cùng có, là những ngày cuối tháng 9 này, nhiều thông tin nối kết quan hệ đã được các doanh nghiệp cả nước và miền Trung gởi đến khu liên hợp với tinh thần cùng đầu tư phát triển.
Ông Nguyễn Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Điện máy và Kỹ thuật công nghệ Bộ Thương mại cho biết, đơn vị ông vừa đầu tư xong nhà máy cơ khí kỹ thuật Daehan tại Đà Nẵng có khả năng chế tạo nhiều chi tiết phụ tùng động cơ và vỏ ô tô. Ông sẵn sàng hợp tác với khu liên hợp từ vai trò nhà máy vệ tinh.
Ông Trần Bá Dương bày tỏ, những tín hiệu quan tâm hợp tác ấy đã đặt thêm trách nhiệm với doanh nghiệp ông, và khu liên hợp chỉ có thể trả lời bằng tiến độ triển khai khẩn trương hơn, các giải pháp đầu tư thận trọng và thỏa đáng hơn, để từ Chu Lai gởi ngược lại lời hẹn xốc vác vào một lĩnh vực công nghiệp lớn của nước nhà.
Cát trắng và đồng khô ở đây đang được cải tạo thành những nhà xưởng, đường bê tông, để một ngày Chu Lai trở thành đầu mối cho rất nhiều nguồn lực đầu tư đổ về, chí ít là từ một lĩnh vực tưởng như chúng ta đang chậm chân - ngành công nghiệp cơ khí ô tô Việt Nam!
HUỲNH KÝ