Lợi ích không cân bằng

Sau hơn 7 năm đàm phán, Hiệp định đầu tư toàn diện Liên minh châu Âu - Trung Quốc (CAI) đã hoàn tất vào những ngày cuối cùng của năm 2020 với kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận nhiều hơn với thị trường tỷ dân. 
Lợi ích không cân bằng

Ủy ban châu Âu khẳng định, hiệp định thương mại này sẽ tái cân bằng các cơ hội buôn bán và kinh doanh giữa hai bên. Tuy nhiên, giới quan sát đón nhận thông tin về CAI với thái độ dè đặt, thậm chí là chỉ trích vì đánh giá chính Bắc Kinh mới là “người chiến thắng”.

Theo ông Sourabh Gupta, tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung Quốc ở Washington, với Trung Quốc, CAI là thỏa thuận kinh tế đáng kể nhất về mặt địa chính trị, địa kinh tế kể từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001. Nhưng sau khi tham gia WTO, Bắc Kinh hiếm khi tuân thủ các hiệp định quốc tế. Các nhà máy sản xuất hàng giả vẫn nở rộ tại Trung Quốc, cùng với nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ. Ngược lại, tại Liên minh châu Âu (EU), các hiệp ước trở thành luật và đều được tôn trọng. Cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của Trường Harvard Kennedy, cho rằng, EU càng mở cửa thì hàng Trung Quốc lại càng tràn ngập, trong khi các công ty châu Âu thường không đủ trọng lượng để cạnh tranh tại đại lục. 

Việc hoàn tất đàm phán CAI trong thời kỳ nước Mỹ chuẩn bị chuyển giao quyền lực cũng được cho là khá vội vàng. CAI có thể gây ảnh hưởng đến ưu tiên của Tổng thống đắc cử Joe Biden trong việc lập liên minh xuyên Đại Tây Dương đối trọng với Trung Quốc để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề thương mại. EU và Trung Quốc cho biết sẽ thúc đẩy để việc ký chính thức CAI sớm được thực hiện sau khi hoàn tất đàm phán. Tuy nhiên, việc phê chuẩn hiệp định có thể gặp một số trở ngại từ phía Nghị viện châu Âu, đồng thời có thể sẽ mất cả năm hiệp định này mới chính thức có hiệu lực do các trình tự về pháp lý và kỹ thuật phức tạp.

Cũng có ý kiến cho rằng, đây không phải là hành động nóng vội. Bởi lẽ điều này cho thấy EU, bất chấp việc không bằng lòng về một số hành vi và chính sách của Trung Quốc, vẫn muốn vai trò độc lập và không bị lôi vào rắc rối giữa Mỹ - Trung Quốc. Ngoài ra, EU cũng có những thách thức riêng vì đang cố gắng xác định lại vị trí trên chính trường toàn cầu cũng như bảo vệ lợi ích và giá trị chung của họ.

Tin cùng chuyên mục