Cuối năm, những nhà hàng thịt rừng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM (dù đã ẩn danh mập mờ “đặc sản”) bỗng trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. Nhất là sau một năm nhiều khó khăn, nhiều người cứ truyền miệng mốt ăn thịt rừng để “giải đen”!?
Những thứ như cầy hương, dũi, nhím… cũng đã nhàm, dân tình những ngày này đang chuộng đãi nhau… thịt hổ! Khỏi phải nói đó là đồ quốc cấm; xét về mặt khẩu vị, theo các chuyên gia ẩm thực, thịt hổ là thứ thịt… hạng bét, vừa dai vừa nhạt! Thịt hổ lại có mùi đặc trưng, muốn ăn được còn phải khử gia vị thật kỳ công nữa. Thương cho những chú hổ tội nghiệp đi từ rừng lên bàn đã bị đóng đá, quấn chăn, vứt lên những chiếc xe trốn chui trốn lủi qua bao nhiêu đường đất, bao nhiêu trạm kiểm soát; nhưng cũng thương cho các “đại gia” bày trò giải đen kia: liệu thứ thịt đó có còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không? Nghĩ mà “bỗng dưng muốn khóc”!
Ở Việt Nam, số lượng loài nguy cấp, quý, hiếm bị đe dọa những năm qua đã tăng lên nhanh chóng. Trong Sách Đỏ Việt Nam, tổng số loài động, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị đe dọa là 882 loài (418 loài động vật và 464 loài thực vật), tăng 161 loài so với thời điểm năm 1992. Riêng về động vật, nếu năm 1992, mức độ đe dọa của các loài chỉ mới dừng lại ở hạng “nguy cấp”, thì đến nay đã có tới gần chục loài động vật được xem đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tê giác, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp, hươu sao, cá sấu hoa cà là những loài đã bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên.
Năm 1993, cách đây tròn 20 năm, lần đầu tiên khái niệm “lời nguyền tài nguyên”được dùng để mô tả hiện tượng các quốc gia giàu tài nguyên, nhất là các tài nguyên không tái tạo như khoáng sản, nhiên liệu, đa dạng sinh học… đã không còn có thể sử dụng nguồn lợi này để thúc đẩy tăng trưởng. Ngược lại, nền kinh tế của các nước này lại tăng trưởng chậm hơn các nền kinh tế nghèo tài nguyên khác.
“Lời nguyền” này thực ra không phải không tránh được, nhưng với tình trạng động vật rừng quý hiếm cứ lần lượt lên bàn, liệu Việt Nam có tránh được hay không? Ngạn ngữ có câu “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”…
ANH THƯ