Trên thực tế, nguồn tiền từ FIFA không mang ý nghĩa “cứu trợ”, tặng tiền cho các thành viên mà đúng hơn là một gói “kích thích tài chính” nhằm giúp nhiều liên đoàn đang vất vả với dòng tiền hoạt động. Ví dụ như số tiền mà VFF nhận, có thể là khoản tất toán sớm cho “chương trình Forward 2.0” mà FIFA tài trợ mỗi năm 500.000 USD. Thông thường khoản này chỉ được nhận nếu VFF hoàn thành đúng, đủ mọi tiêu chí của chương trình và thời gian chuyển khoản thường vào tháng 7. Nhưng vì dịch Covid-19, rất nhiều thành viên của FIFA rơi vào trạng thái khánh kiệt, không có tiền trong tài khoản do hoạt động thi đấu bị ngưng lại ít nhất nửa năm và còn kéo dài hơn.
Những nơi nhận được tài trợ của FIFA qua các dự án Goal hay Forward đều nằm trong diện kém hoặc đang phát triển, luôn thiếu hụt tài chính. Bỏ qua các tiêu chí về đánh giá, FIFA giải ngân sớm để tránh các liên đoàn rơi vào tình trạng “phá sản”. Cũng vì thái độ ấy của FIFA nên cần nhìn nhận việc “ứng cứu” tài chính của tổ chức này vừa mang ý nghĩa chia sẻ nhưng cũng là động thái nhắc nhở các liên đoàn thành viên.
FIFA dành một khoảng ngân sách khổng lồ, lên đến 2,7 tỷ USD để thiết kế chương trình Forward 2.0 kể từ năm 2019 nhằm phục vụ cho 201 liên đoàn thành viên của mình. Bất kỳ thành viên nào cũng được đăng ký nhưng muốn nhận tiền phải chứng minh khả năng hoàn thành các tiêu chí. Một thành viên như VFF có thể nhận được 1 triệu USD/năm, trong đó 500.000 USD được chuyển trước để tổ chức vận hành, phần còn lại sẽ được tính trên từng tiêu chí (50.000 USD/1 tiêu chí). Tất nhiên phải hoàn thành phần lớn tiêu chí mới được tham gia ở năm kế tiếp. Đây chính là nguồn tài chính rất quan trọng để VFF thực hiện các hoạt động hỗ trợ đào tạo bóng đá trẻ tại nhiều địa phương, phát triển mảng bóng đá nữ, bãi biển…
Trong 2 năm gần đây, nhờ thành tích của đội tuyển quốc gia, VFF tăng doanh thu lên gấp nhiều lần nên con số tài trợ từ FIFA Forward có vẻ bé nhỏ. Nhưng thực tế, đó lại chính là tiền đề cho thế hệ tài năng hiện nay bởi cách đây 5 - 6 năm, tình hình tài chính của VFF không hề thoải mái như lúc này. Tiền trả lương cho HLV trưởng còn cần đến nhà tài trợ thì chi phí cho bóng đá trẻ, bóng đá nữ chắc chắn khó khăn hơn nhiều.
Trong bối cảnh hiện nay, dù cũng chịu không ít thiệt hại do dịch Covid-19 nhưng VFF không rơi vào khó khăn nhờ những tích lũy trong 2 năm qua cùng sự “chống lưng” của nhiều nhà tài trợ nên ngay cả HLV Park Hang-seo cũng không bị yêu cầu giảm lương.
Tuy nhiên, số tiền từ FIFA lại mang một ý nghĩa khác, thậm chí còn có giá trị hơn, đó là lời nhắc về việc duy trì các hoạt động liên quan đến phần nền móng của bóng đá. Những lúc khó khăn, tài chính bị ảnh hưởng vẫn cần quan tâm nhiều hơn đến công ăn việc làm của những người đang làm việc ở những vị trí thấp nhất trong nền bóng đá. Đó là hệ thống phát hiện tài năng, là đào tạo trẻ, là các nhân viên sân bãi và thể lực. Họ luôn là những người chịu thiệt thòi, dễ bị tổn thương nhất nếu như guồng quay của bóng đá bị ngưng trệ.
Những nền bóng đá càng giàu có, càng phát triển ở mảng đỉnh cao thì ngân sách cho “grassfoot” (tạm dịch: nền tảng cơ sở) cần phải liên tục được nâng lên, như một khoản đầu tư cho tương lai. Thế nên, có thể VFF không cần đến nguồn tiền từ FIFA để giảm thiệt hại nhưng chắc chắn vì số tiền được nhận này mà bóng đá Việt Nam phải hoàn thành đủ 10 tiêu chí của chương trình Forward 2.0. Đấy là vấn đề trách nhiệm của một tổ chức quản lý như VFF, đồng thời cũng là nghĩa vụ mà một thành viên đang phát triển như Việt Nam đóng góp cho FIFA để truyền cảm hứng cho những liên đoàn khác.
Về cơ bản, một khi vẫn còn nhận tiền từ chương trình Forward 2.0, đồng nghĩa nền bóng đá nhận tài trợ vẫn chưa đạt đến mức “sống khỏe” trên nguồn tài chính mà mình tạo ra. Hay nói cách khác, các hoạt động đầu tư cho hệ thống nền tảng vẫn còn thiếu hụt, chưa toàn diện và vẫn cần đến sự hỗ trợ tài chính từ FIFA. Nhận tiền là để nhận thêm trách nhiệm, động lực để phát triển hạ tầng tương xứng với vị thế của bóng đá Việt Nam.