Từ thực trạng TNGT tại TPHCM năm 2007

Lớn nhất là lỗi ý thức lái xe

Lớn nhất là lỗi ý thức lái xe

Có lẽ những ai quan tâm đến an toàn giao thông đô thị TPHCM cũng đều sẽ thở dài khi biết rằng tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn vẫn như… con ngựa bất kham.

Vài dẫn chứng buồn

Lớn nhất là lỗi ý thức lái xe ảnh 1

Một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: đức trí

Lúc 9 giờ 30 phút ngày 7-10-2007, xe ô tô biển số 51LD-8628 do Dương Văn Xuyển, sinh năm 1980, điều khiển lưu thông trên quốc lộ 1A hướng từ cầu vượt Sóng Thần về ngã tư Gò Dưa, khi đến trước nhà số 229Đ quốc lộ 1A thuộc khu phố 4 phường Bình Chiểu quận Thủ Đức đầu xe phía trước đụng vào phía sau mô tô 51S1-3899 do Nguyễn Ngọc Luyến sinh năm 1962 điều khiển lưu thông phía trước bên trong cùng chiều.

Nguyên nhân sơ bộ ban đầu là do lái xe mô tô 51S1-3899 chuyển hướng rẽ trái định băng qua đường, không nhường quyền ưu tiên cho xe ô tô, trong khi phần lỗi phụ thuộc về lái xe ô tô 51LD-8628 do đã thiếu thận trọng quan sát. Hậu quả là Nguyễn Ngọc Luyến đã chết tại Bệnh viện đa khoa Thủ Đức chỉ sau đó 30 phút. Một chi tiết đáng chú ý: lái xe mô tô không đội nón bảo hiểm.

Hồi 22 giờ 50 ngày 10-10-2007, Đỗ Thanh Thái sinh năm 1990, dù chưa đủ tuổi điều khiển xe trên 50cm3  cầm lái chiếc xe máy 51L6-1561 lưu thông trên đường Nguyễn Trãi, hướng từ Lê Lai về vòng xoay Cống Quỳnh.

Đến ngã ba Nguyễn Trãi-Lương Hữu Khánh thuộc phường Phạm Ngũ Lão quận 1, do thiếu thận trọng không quan sát khi vào giao lộ đồng thời không nhường đường cho xe đến từ bên phải nên đã va chạm với mô tô 51R1-7592 do Nguyễn Phillip Nam sinh năm 1963, Việt kiều Mỹ đang lưu thông trên đường Lương Hữu Khánh hướng từ Bùi Thị Xuân về Nguyễn Trãi. Tai nạn khiến lái xe 51R1-7592 bị chấn thương sọ não và chết vào trưa ngày hôm sau tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngày 20-10-2007, tại trước số nhà 519 quốc lộ 22 thuộc Khu phố 2 thị trấn Củ Chi đã xảy ra tai nạn thương tâm giữa ô tô khách biển số Campuchia 3A-3439 của Công ty Liên vận Phnom Penh-TPHCM do lái xe Leng Keo, sinh năm 1967, quốc tịch Campuchia với mô tô 62F9-7471. Lúc đó là 19 giờ 30, Leng Keo điều khiển ô tô 3A-3439 chạy trên quốc lộ 22 hướng từ cầu vượt Củ Chi về Hóc Môn.

Khi đến địa điểm trên đã để mặt ngoài đầu cản bảo hiểm trước bên phải va đụng vào phía sau bên trái xe mô tô 62F9-7471 do Lê Thị Sương, sinh năm 1976 chở phía sau Lê Thị Thật sinh 1970. Va chạm mạnh làm Lê Thị Sương chết tại Bệnh viện 115 chiều 21-10 còn Lê Thị Thật bị chấn thương sọ não nặng.

Nguyên nhân được xác định do lỗi của lái xe ô tô đã thiếu quan sát khi vào giao lộ, lách tránh không đúng quy định gây ra sự cố,  tức là đã phạm vào điều 17 và 22 Luật Giao thông đường bộ Việt Nam.

Đáng sợ với “chủ quan”

Đó chỉ là 3 trong số 1.349 vụ TNGT xảy ra từ 1-12-2006 đến cuối tháng 11 năm nay. Thống kê của ngành chức năng cho thấy trong thực tế ô tô, mô tô dẫn đầu cả về đối tượng gây tai nạn lẫn hình thức đâm va.

Nếu cả năm qua xảy ra 1.349 vụ TNGT (tăng 7,83% số vụ so với cùng kỳ năm trước đó), làm chết 1.084 người (tăng 14,1% so sánh cùng kỳ) và làm bị thương 809 người (giảm 14,1%), thì chỉ riêng xe hai bánh gắn máy đã chiếm 975 vụ, làm chết 782 người và làm bị thương 616 người; xếp thứ nhì là xe tải-ô tô với 189 vụ, làm chết 167 người và làm bị thương 107 người khác.

Về hình thức đâm va, xe máy đâm xe máy phổ biến nhất chiếm 750 vụ, làm 573 người chết; ô tô “đụng độ” xe máy là “á quân” với 287 vụ làm 246 người tử vong; thứ ba là xe máy với người đi bộ- chiếm 109 vụ, làm chết 87 người.

Rất đáng suy nghĩ khi xảy ra TNGT nhiều nhất là tại các đường nội thành (với 663 vụ, làm 528 người chết và 438 người bị thương), quốc lộ (250 vụ, làm chết 214 người và làm bị thương 110 người), và tại những chỗ đường giao nhau (205 vụ, chết 144 người, bị thương 139 người).

Địa điểm xảy ra sự cố nói trên cũng hoàn toàn khớp với thời gian hay xảy ra TNGT trong ngày. Tần suất xảy ra tai nạn dày nhất là từ 19 giờ ngày hôm trước đến 1 giờ  sáng ngày hôm sau: Giờ buổi sáng 8 giờ – 9 giờ thường chỉ khoảng 20 vụ, nhưng 19 giờ bình quân đếm được 87 vụ, 20 giờ có 111 vụ, 21 giờ  cũng 111 vụ, 22 giờ có 111 vụ, 23 giờ có 113 vụ…

Về nguyên nhân, “tội đồ” số một là lỗi lưu thông không đúng phần đường (với 338 vụ, 266 chết, 264 bị thương, 722 xe hư hỏng), tiếp theo lần lượt là lỗi vi phạm tốc độ tức phóng nhanh (có 270 vụ, 225 chết, 141 bị thương, 344 xe hư hỏng), lỗi đổi hướng không đúng quy định (124 vụ) và lỗi tránh vượt không đúng quy định (có 121 vụ).

Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an TPHCM không phải không có lý khi nhận định rằng nổi lên tất cả, bao trùm lên tất cả các vụ TNGT là sự chủ quan của người điều khiển phương tiện - một hình thái biểu hiện của ý thức. Chính vì chủ quan, thiếu ý thức mà người điều khiển phương tiện dễ gặp/gây tai nạn trong khoảng “giờ đen” từ 19 giờ – 1 giờ như đã nêu vì lúc đó thường có đặc điểm: CSGT đã nghỉ (hết ca), đường vắng…

Như vậy, vẫn theo Thượng tá Võ Văn Vân, mấu chốt cần quan tâm giải quyết nhất trong lúc này, toa thuốc thích hợp nhất hiện nay để kềm chế TNGT không phải chỉ giao phó, trông chờ vào mỗi lực lượng có chức năng xử phạt là CSGT hoặc là việc xây dựng thêm cầu, đường mà còn cần đẩy mạnh giáo dục luật giao thông, cần tuyên truyền sâu rộng và dài hơi để mọi người “ngộ” ra nguyên nhân, tác hại của TNGT một khi chẳng may nó xảy đến với chính mình hoặc người thân.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục