Long An có tuyến đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia dài hơn 137km, với cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và cửa khẩu quốc gia Tho Mo. Đồng thời, vùng Đồng Tháp Mười rộng hơn 300.000ha, là nơi sản xuất nông lâm thủy sản, chưa được khai thác, phát huy hết tiềm năng…
Cửa khẩu quốc gia Tho Mo (huyện Đức Huệ) sẽ được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế trong tương lai
Đầu gọi đầu tư kinh tế cửa khẩu
Ông Nguyễn Văn Tiều, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Long An, cho biết: “Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh chú trọng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế cửa khẩu gắn với du lịch sinh thái”.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long An đến năm 2030, với tổng diện tích tự nhiên là 13.080ha, gồm một cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và cửa khẩu quốc gia Tho Mo (huyện Đức Huệ).
Tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, phạm vi lập quy hoạch khu kinh tế này gồm 7 xã và 1 thị trấn. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội, động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Tây tỉnh Long An. Hiện nay đã có một doanh nghiệp của Đài Loan là Công ty cổ phần TaiNan Enterprise đến xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy may mặc, dệt nhuộm với diện tích khoảng 15ha, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, nhu cầu tuyển dụng 10.000 lao động. Còn tại cửa khẩu quốc gia Tho Mo (thuộc xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ), hiện tỉnh chỉ mới quy hoạch khu thương mại khoảng hơn 40ha. Sắp tới, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ cho nâng cấp cửa khẩu này lên cửa khẩu quốc tế, để có điều kiện đầu tư phát triển…
Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 của tỉnh tổ chức vào ngày 17-10 sắp tới, một trong những lĩnh vực được tỉnh kêu gọi đầu tư là kinh tế cửa khẩu.
Gắn du lịch sinh thái với kinh tế cửa khẩu
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Long An, cho biết: Long An có lợi thế về vị trí tiếp giáp với TPHCM, là cửa ngõ của các tỉnh miền Tây kết nối với các tỉnh miền Đông. Long An là một trong các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế và dịch vụ. Có hệ thống giao thông đường thủy - bộ khá thuận lợi. Đặc biệt, có một Đồng Tháp Mười với nhiều sản vật quý hiếm, như có hệ sinh thái rừng tràm, lau sậy, đầm sen, bông súng và các loại động vật như cá, rắn, rùa, chim cò... là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn”. Ngay trong quy hoạch tổng thể của ngành du lịch Việt Nam, Long An được xác định là một trong những điểm du lịch sinh thái quan trọng ở ĐBSCL. Cho nên, định hướng phát triển của tỉnh nói chung, của ngành du lịch nói riêng luôn “gắn” đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh với phát triển du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười.
Trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì vùng Đồng Tháp Mười được “quán triệt” tập trung sản xuất chuyên canh, thâm canh lương thực, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, phát triển du lịch sinh thái gắn kết với kinh tế cửa khẩu… Nhờ phát huy tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười, chỉ tính riêng sản lượng lúa từ năm 2010 đến 2015, bình quân đạt gần 2 triệu tấn/năm. Một số dự án đầu tư khai thác du lịch, mặc dù chỉ đang mới trong giai đoạn đầu nhưng đã có được những kết quả khả quan, mỗi năm có hàng trăm ngàn du khách đến tham quan. Như Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Khu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa), Khu bảo tồn sinh quyển đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng), Gò Ô Chùa, Cổ Sơn Tự (huyện Vĩnh Hưng), Khu di tích lịch sử cách mạng Bình Thành (huyện Đức Huệ)... Tuy nhiên, việc phát triển các tour du lịch, các cửa khẩu, vùng biên giới còn thiếu những quy định cụ thể, hưa đáp ứng được yêu cầu cho các doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch muốn đến Long An trải nghiệm.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, dù tỉnh đã có cố gắng đẩy mạnh đầu tư, khai thác vùng Đồng Tháp Mười, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Vấn đề đặt ra là để đầu tư, khai thác hết tiềm năng của vùng Đồng Tháp Mười cần phải có chiến lược phát triển đồng bộ, bền vững. Long An cần có những chủ trương, chính sách thuận lợi hơn nửa để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Sự gắn kết giữa kinh tế, quốc phòng an ninh với phát triển du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười là yêu cầu khách quan nhằm hướng tới việc khai thác, quản lý, gìn giữ vùng đất tiềm năng, có vị trí chiến lược phòng thủ bảo vệ vùng biên giới Tây Nam…
KIẾN VĂN