
Thiếu nước sạch là nỗi ám ảnh kinh niên đối với người dân TPHCM và nguyên nhân chính là do sự trì trệ của ngành cấp nước. Do vậy, tháng 9-2003, UBNDTP đã ban hành Quy chế Xã hội hóa dịch vụ cấp nước nhằm thu hút nhiều hơn nữa các hình thức đầu tư sản xuất nước sạch. Tuy nhiên, dù đã qua hơn 5 năm nhưng thành quả từ quy chế này đến nay vẫn rất hạn chế.
Trên thông dưới thắt

Nhận thấy quận 8 đang thiếu nước sạch trầm trọng do đây là nơi cuối nguồn nước, năm 2000 Công ty TNHH Hiệp Ân đã bỏ ra khoảng 2,5 tỷ đồng đầu tư một trạm xử lý, hệ thống đường ống cùng đồng hồ nước và cung cấp nước sạch cho khu dân cư ở phường 5. Tuy nhiên, do vùng này thưa dân nên từ khi đi vào khai thác (tháng 1-2002) đến tháng 10-2002, trạm chỉ bán được từ 150-200m³/ngày trong lúc công suất thiết kế là 1.000m³/ngày.
Không thể để lãng phí và thua lỗ kéo dài, Hiệp Ân đề nghị Công ty Cấp nước TPHCM (nay là Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn-Sawaco) mua lại lượng nước dư. Mãi đến tháng 11–2002, Sawaco mới chịu mua 700m³/ngày với giá 2.200 đồng/m³ và lên thêm 200m³/ngày từ tháng 12-2003.
Qua nhiều lần nài nỉ, đến 1-2005 Sawaco mới nâng giá mua nước lên 2.376 đồng/m³. Sang đầu năm 2006, Sawaco ký lại hợp đồng mua nước với Hiệp Ân, không những giá không đổi mà sản lượng còn giảm xuống còn 800m³/ngày!
Từ đó đến nay, dù Hiệp Ân đã nhiều lần kiến nghị xin tăng giá bán sỉ nước sạch do chi phí đầu vào ngày càng tăng cao nhưng Sawaco vẫn không nhúc nhích trong khi giá bán nước sạch trung bình từ cuối năm 2004 của Sawaco là 4.500 đồng/m³.
Theo bà Phạm Ngọc Huỳnh, Giám đốc Công ty Hiệp Ân, ngay cả ở thời điểm năm 2002, mức giá trên đã không mang lại hiệu quả kinh doanh chứ đừng nói gì năm 2009 này nhưng Hiệp Ân cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Không những vậy, bà Huỳnh cũng đang rất lo lắng khi Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn (một thành viên của Sawaco) đang tiến hành phủ mạng lưới cấp nước lên khu vực Hiệp Ân đang cung cấp nước. Bởi nếu Sawaco ngưng mua nước thì thiệt hại mà Hiệp Ân hứng chịu là không nhỏ.
Thiệt hại lớn hơn là Công ty CP Hoàng Liên. Hoàng Liên đã bỏ ra 120 tỷ đồng đầu tư một nhà máy cấp nước có công suất 20.000m³/ngày tại phường Thạnh Lộc, quận 12. Đến tháng 4-2004, tổ máy số 1 hoàn thành với công suất 1.000m³/ngày. Cùng lúc, Hoàng Liên đầu tư thêm một tuyến ống cấp nước Þ200 dài khoảng 2,4km nối từ nhà máy đến mạng phân phối của Sawaco. Tuy nhiên, việc thi công (do một thành viên của Sawaco đảm nhận) cứ ì ạch, chờ bổ sung thủ tục và thiết kế kỹ thuật theo yêu cầu của Sawaco để đúng quy chuẩn, đồng bộ với hệ thống mạng của Sawaco.
Đến hết tháng 7-2005 đường ống vẫn chưa hoàn thành dù Sawaco cam kết sẽ hoàn tất vào đầu tháng 9-2004… Hậu quả là đã làm chậm trễ việc phát nước của nhà máy hơn một năm và gây nhiều thiệt hại cho Hoàng Liên.
Từ tháng 4-2004, để bảo dưỡng thiết bị, nhà máy vẫn phải vận hành và xả bỏ trên 500m³ nước sạch mỗi ngày! Không dừng lại đó, qua giữa năm 2006, nhà máy vận hành được vài tháng thì phải ngưng hoạt động do độ mặn và độ ô nhiễm của nguồn nước tăng cao, vượt quá khả năng xử lý của thiết bị. Từ đó đến nay Hoàng Liên đã chạy vạy khắp nơi mời tư vấn để tìm hướng khắc phục nhưng vẫn chưa có lối ra. Hiện tại, Hoàng Liên đành phải rao bán dự án với giá chỉ gần 20 tỷ đồng!
Khổ sở vì thiếu quy hoạch
Cũng hăm hở tham gia xã hội hóa cấp nước nhưng Công ty TNHH Kim Tinh lại chọn hướng đầu tư rất mới. Tháng 9-2004, Kim Tinh đề xuất với Sawaco xây dựng một nhà máy xử lý nước lợ từ nước sông Sài Gòn bằng công nghệ R.O của một tập đoàn công nghệ xử lý nước hàng đầu của Mỹ.
Nhà máy sẽ được đầu tư theo phương thức B.O.O (xây dựng - vận hành - sở hữu), có công suất 200.000m³/ngày với tổng vốn 60 triệu USD và sẽ bán lại nước sạch cho Sawaco với giá 4.600đ/m³ (đã bao gồm thuế VAT và bảo hiểm), thấp hơn mức giá 30 cent/m³ mà lãnh đạo Sawaco đặt ra lúc đó.
Cuối tháng 10-2004, Sawaco ký với Kim Tinh bản ghi nhớ, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho Kim Tinh nghiên cứu lập dự án. Tháng 1-2005, UBND huyện Nhà Bè có văn bản ủng hộ dự án và đồng ý giao cho Kim Tinh hơn 17ha đất tại xã Long Thới để triển khai (đúng quy hoạch của UBND TP).
Tiếp đó, ngày 30-12-2004, Kim Tinh đã gửi tờ trình đề nghị Sawaco ký hợp đồng nguyên tắc để Kim Tinh có cơ sở làm báo cáo khả thi dự án trình các cơ quan chức năng cấp phép đầu tư, khai thác nguồn nước và yên tâm đền bù giải tỏa mặt bằng.
Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua mà Sawaco vẫn không chấp thuận. Sốt ruột, cuối tháng 3-2005, Kim Tinh gửi công văn đăng ký đầu tư dự án lên UBND TP và ngày 19-4-2005, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các Sở KH-ĐT, GTCC (nay là Sở GTVT) và TN-MT phải phối hợp giải quyết gấp việc thực hiện và ưu đãi đầu tư cho dự án.
Thế nhưng đến ngày 1-7-2005, Sawaco lại gửi văn bản đến các sở liên quan, quả quyết là đến năm 2010 nước sạch sẽ phủ hết khu vực mà Kim Tinh định đầu tư (?). Do đó, Sawaco đề xuất không phát triển các dự án nước lợ công suất lớn! Không những thế, qua năm 2007 Sở GTVT lại có văn bản đề nghị Kim Tinh hãy chờ vì hiện tại quy hoạch đến năm 2020 cũng chưa có “chỗ” cho nước lợ!
Cũng vì chưa có quy hoạch vùng thống nhất mà Nhà máy nước Kênh Đông vẫn chưa biết ngày nào sẽ hoạt động. Nằm tại huyện Củ Chi, nhà máy có công suất thiết kế 200.000m³/ngày đêm, tổng vốn đầu tư khoảng 956 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 7-2006 và sẽ hoàn thành sau 18-24 tháng.
Đến nay nhà máy đã cơ bản hoàn thành và có thể phát nước vào giữa năm nay nhưng tuyến ống truyền tải chính (D1200) dài hơn 13km thì vẫn chưa thành hình! Do vướng vào ranh giao đất của dự án sân golf trong khu đô thị Tây Bắc nên một đoạn tuyến D1200 không thể xây lắp.
Sau nhiều cuộc họp liên ngành, phương án điều chỉnh tuyến ống D1200 được các bên liên quan thống nhất chọn là dịch chuyển một đoạn ống lên phía Bắc để trùng với tuyến đường của khu dân cư và tiếp nối vào hành lang kỹ thuật trục đường D4 trong ranh KCN Tân Phú Trung.
Thế nhưng không hiểu sao, sau đó Công ty CP Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD) lại phản đối phương án trên. SCD kiến nghị thực hiện theo phương án cũ mà SCD đã nhiều lần đề nghị là đưa D1200 ra khỏi ranh đất của KCN Tân Phú Trung và dời lên khu vực dọc hành lang cây xanh bảo vệ bờ Nam kênh Đông (kênh N46).
Theo Công ty CP Cấp nước Kênh Đông, phương án của SCD gây trở ngại lớn đến tiến độ của toàn dự án do phải thay đổi toàn bộ quy hoạch đường ống và mất gần hai năm cho công tác giải phóng mặt bằng! Hơn nữa, hiện tại chi phí đầu tư đã đội lên 30% do trượt giá và chậm tiến độ.
Rõ ràng, để TPHCM sớm có đủ nước sạch, đảm bảo an ninh nước sạch thì rất cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và hoàn thiện quy hoạch đô thị với tư duy mới, đồng thời có một nhạc trưởng đúng nghĩa để giải quyết rốt ráo và nhanh chóng những trở ngại trong quá trình phát triển nguồn nước sạch.
HOÀNG LIÊM