Anh bạn tôi người thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai kể một câu chuyện như giai thoại với đầy vẻ tự hào. Một buổi tối, anh và mấy người bạn ngồi uống cà phê, đang vui chuyện thì một anh bạn có việc phải lên TPHCM gấp, anh Hùng một người trong nhóm, tận tình lấy xe hơi chở anh bạn đi cho nhanh. Loáng một cái đã thấy anh Hùng quay lại, cữ cà phê chưa vãn… Giao thông vận tải là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một địa phương. Và điều đáng mừng, Long Khánh có lợi thế ấy.
Xe khách đến tận nhà, container vào tận rẫy
Kể từ khi khánh thành đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vào ngày 8-2-2015 (vốn đầu tư 20.630 tỷ đồng), việc đi lại từ các địa phương về Long Khánh rất thuận tiện. Tôi đặt xe khách của hãng Kim Mạnh Hùng từ ngã tư Hàng Xanh (TPHCM) về Long Khánh, hỏi nhân viên của hãng xem đi mất bao nhiêu thời gian, cô ấy cười tươi tắn trả lời: “Có 50 - 55 phút thôi anh”. Ngồi xe ghế êm, máy lạnh mát rượi, đi vèo một cái đã về tới thị xã Long Khánh, xe đỗ tận cửa nhà.
Ông Phạm Văn Hoàng, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh, cho biết: “Long Khánh nổi tiếng với dịch vụ xe khách chất lượng cao. Các nhà xe Kim Mạnh Hùng, Cúc Phương, Cường Thủy có gần 200 đầu xe, chạy đan xen nhau với mật độ 10 phút/chuyến, từ 4 giờ sáng đến 6 giờ chiều, đưa đón khách tận nhà ở khu vực thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc, huyện Cẩm Mỹ… Không chỉ vận chuyển khách, các nhà xe còn giúp người dân giao thương hàng hóa rất thuận tiện. Muốn mua gì, chỉ cần gọi điện, nhắn tin báo chủng loại, số lượng, địa chỉ… là nhà xe giao tận nơi. Sắp tới, khi đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành, giao thông vận tải từ Long Khánh đi, về càng thuận tiện hơn”.
Một góc thị xã Long Khánh Ảnh: BẰNG VÂN
Về Long Khánh, tôi ngỡ ngàng khi thấy xe máy, ô tô bon bon trên những tuyến đường trải nhựa, đổ bê tông vào đến tận ấp, rẫy. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân đóng góp gần 75% trên tổng giá trị đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng. Bà con tự nguyện đóng góp đất đai, tiền mặt để cùng chính quyền lo việc lớn. Đại đức Thích Hạnh Tín, trụ trì chùa Huyền Trang (ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang) là tấm gương tiêu biểu trong số ấy. Thầy đã hỗ trợ và vận động phật tử được 1,25 tỷ đồng làm đường bê tông dài 1,5km ở tổ 9, ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang và hàng chục triệu đồng cho quỹ chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ủng hộ 500 bao xi măng để xây dựng 5 tuyến đường bê tông trên địa bàn thị xã. Từ năm 2009 đến 2014, toàn bộ các tuyến đường của 9 xã nông thôn (dài 194km) đã được đầu tư nâng cấp, tu sửa toàn diện.
Nhờ giao thông thuận tiện, xe container có thể vào tận xưởng trong rẫy để chở hàng nên các nhà đầu tư nô nức đổ về làm ăn tại Long Khánh. Hiện tại, hai khu công nghiệp trên địa bàn thị xã là Long Khánh và Suối Tre với diện tích 450ha đã được các nhà đầu tư đăng ký lấp đầy, trong đó 26 nhà đầu tư đã xây dựng nhà xưởng trên diện tích 81,46ha và đi vào sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ngoài hai khu công nghiệp trên, thị xã cũng tiếp tục đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Bàu Trâm để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công ty TNHH Thiện Minh (xã Suối Tre, thị xã Long Khánh) chuyên chế biến hạt điều với hai nhà máy đặt tại xã Suối Tre và xã Bảo Quang đã tạo việc làm cho gần 500 lao động tại khu vực nông thôn, trong đó có gần 40% người dân tộc thiểu số.
Thu nhập tăng 9,2 lần
Thị xã Long Khánh có 15 đơn vị hành chính, diện tích tự nhiên 195km2, dân số 143.650 người. Thị xã có 6 phường, 9 xã, dân số khu vực nông thôn chiếm 60% với 16.465ha đất nông nghiệp, chiếm 85% diện tích tự nhiên. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thị xã đã tập trung mọi nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, giá trị sản phẩm.
Giá trị sản xuất nông nghiệp của thị xã Long Khánh tăng bình quân 6,1%/năm, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 35% giá trị sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp bình quân 150 triệu đồng, tăng 2 lần so với năm 2009; lợi nhuận bình quân trên 1ha 105 triệu đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2009; cá biệt, nhiều vùng bà con trồng tiêu, sầu riêng thu được 250 - 350 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 150 - 250 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của Long Khánh đạt 38,6 triệu đồng/năm. Trước đây, thu nhập của nông dân ở mức từ 50 - 60 triệu đồng/năm thì nay vươn lên 200 - 300 triệu đồng/năm với nhiều mô hình trồng cây đặc sản như ca cao, chôm chôm Thái, sầu riêng, ổi… đạt chuẩn VietGAP.
Nói về ca cao ở Đồng Nai, không thể không nhắc đến ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc ở xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh. Ông Lộc năm nay 68 tuổi, là người đầu tiên mang cây ca cao về trồng trên đất Long Khánh. Năm 2003, khảo sát thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở đây thích hợp với việc trồng cây ca cao, ông đã thành lập công ty và mang cây giống ca cao về trồng. Ca cao trồng phải có cây che bóng mát mới phát triển tốt nên ông Lộc trồng xen với các loại cây điều, chôm chôm, mít, vừa tận dụng được diện tích vừa tăng thu nhập. Không phải chăm sóc gì đặc biệt, sau 3 năm cây ca cao cho thu hoạch.
Trái tươi cắt về để 5 ngày cho lên men rồi công nhân chặt cùi, tách lấy hạt phơi khô, sơ c
Công nhân của Công ty TNHH đầu tư và phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc đang tách hạt ca cao
hế… sau đó bán cho Công ty TNHH Puratos của Tập đoàn Grand-Place để họ chế biến thành sôcôla. Phần cùi, ông Lộc ủ men làm nước giải khát, rượu. Khi đã tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm, ông Lộc mời gọi và ký hợp đồng với hơn 200 hộ nông dân ở 5 huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, 2 huyện ở tỉnh Bình Thuận. Các hộ gia đình được công ty cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tính đến nay, công ty đã có vùng nguyên liệu rộng hơn 300ha, sản lượng bình quân 150 tấn hạt khô/năm. Ông Lộc cho biết: “So với các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su thì giá ca cao ổn định nhất. Hiện nay, mỗi hộ dân ký hợp đồng với chúng tôi đều thu hoạch trung bình từ 2 tấn trái/năm nên có công ăn việc làm và thu nhập ổn định”. Cũng theo ông, hiện tại nguồn nguyên liệu ca cao tại tỉnh Đồng Nai chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thị trường nội địa. Chỉ tính riêng khách hàng chính của Nguyên Lộc là tập đoàn Grand-Place, công ty đã không đủ hàng để cung cấp. Ngoài ra, nhiều tập đoàn nước ngoài cũng tìm đến đặt vấn đề thu mua ca cao với sản lượng lớn vì thị trường thế giới cũng cung không đủ cầu.
Long Khánh có vị trí địa lý thuận lợi, giao thông thuận tiện, đất đai phì nhiêu, khí hậu mát mẻ quanh năm. Điều kiện ấy đã hun đúc nên những thế hệ dân cư hiền hòa, chăm chỉ và rất năng động trong sản xuất kinh doanh. Đến như cọng rơm là thứ mà hầu như nông dân trên khắp cả nước thường chỉ biết đốt hoặc làm thức ăn cho gia súc thì nông dân Long Khánh đã biết đầu tư máy móc để cuốn rơm thành từng cuộn để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ông Hồ Văn Nam, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh, cho biết: “Về thành tựu, không gì chứng minh rõ nét cho bằng thị xã Long Khánh là đơn vị đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2014. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên địa bàn là 15%; cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 8,4 triệu đồng năm 2004 lên 77,5 triệu đồng năm 2015, tăng 9,2 lần”.
Đến Long Khánh hôm nay, mọi người sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn luôn được gắn kết, đường làng ngõ xóm phong quang, sáng - xanh - sạch - đẹp, hướng đến một đô thị xanh, văn minh và hiện đại, trở thành đô thị hạt nhân của tỉnh Đồng Nai.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG