Lớp võ hướng thiện

8 lớp học Aikido ở các tỉnh, thành phố trong cả nước do võ sư Ngô Khắc Hoàng thành lập đã trở thành địa điểm sinh hoạt, vui chơi của nhiều em nhỏ, là nơi các bậc cha mẹ an tâm gửi gắm con em. 
Võ sư Ngô Khắc Hoàng hướng dẫn học trò thế võ tự vệ
Võ sư Ngô Khắc Hoàng hướng dẫn học trò thế võ tự vệ
Nhiều năm qua, 8 lớp học Aikido (võ tự vệ Nhật Bản) ở các tỉnh, thành phố trong cả nước do võ sư Ngô Khắc Hoàng thành lập đã trở thành địa điểm sinh hoạt, vui chơi của nhiều em nhỏ, là nơi các bậc cha mẹ an tâm gửi gắm con em. Bởi lẽ, thầy Hoàng không chỉ dạy học trò kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà còn dạy các em đạo lý làm người. Bước qua tuổi 63, thầy Hoàng không ngại rong ruổi khắp nơi, tìm đến giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt. 
Gắn bó với bộ môn võ thuật Akido từ năm 25 tuổi, Ngô Khắc Hoàng là một trong những môn sinh đầu tiên và xuất sắc trong môn phái tại TPHCM. Sau đó, hòa mình vào không khí sôi nổi của tuổi trẻ TP, Ngô Khắc Hoàng gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, đến Nông trường Nhị Xuân xây dựng kinh tế. Võ sư Hoàng nhớ lại, thời gian ấy đơn vị quản lý rất nhiều thanh niên chậm tiến, cá biệt lên nông trường cải tạo.
Với cương vị tiểu đội trưởng, ông trực tiếp giáo dục những thành phần trên. Cùng nhau đào kênh, mở đường, cùng ăn, cùng ngủ, tiểu đội trưởng Hoàng cảm nhận bản chất của họ là người tốt. Vì hoàn cảnh hay một phút sốc nổi mà họ phạm lỗi, trượt dài… Vì thế, ông càng quan tâm, gần gũi bằng cách dạy đồng đội một số thế võ để tự vệ, rèn tính nhẫn nại, trọng nghĩa của người học võ. Rất nhiều học viên sau khi học võ từ tiểu đội trưởng Hoàng đã thay đổi, bỏ tính ngang tàng, quyết tâm làm người có ích. 
Năm 1984, võ sư Hoàng xuất ngũ, về công tác tại Trung tâm Thể dục thể thao Phú Thọ. Đến năm 1993, võ sư Hoàng trở thành huấn luyện viên tại một đạo đường Aikido ở quận 1 (TPHCM). Ông tiếp tục chiêu mộ những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt đến đạo đường rèn luyện sức khỏe, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sống. Đạo đường Aikido trở thành nơi đi về thường xuyên của những võ sinh “đặc biệt”. Nhờ thầy hết lòng hướng thiện, nhiều võ sinh từ một người bị xã hội xa lánh đã chủ động hòa nhập, sống vì cộng đồng. Chính vì thế, không biết từ bao giờ, võ sinh và người thân của họ gọi những lớp võ do võ sư Hoàng khởi xướng, đứng lớp là “Lớp võ hướng thiện”.
Nhắc đến thầy của mình, võ sư Lê Hoàng Mai, Trưởng bộ môn Aikido Tân Bình, bộc bạch ngày xưa ông là dân bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ, sẵn sàng ẩu đả, gây thương tích để dành miếng ăn. Một lần tình cờ đi ngang qua lớp Aikido, ông xin vào học. Như nhiều võ sinh có hoàn cảnh giống mình, Mai được thầy Hoàng dạy miễn phí. Càng học, càng trò chuyện với thầy, Mai hiểu ra võ thuật không phải là công cụ hỗ trợ Mai trong những lần xô xát ngoài chợ, giương oai giễu võ. Trái lại, võ thuật giúp mỗi người tự bảo vệ bản thân, rèn luyện sức khỏe, tính tình điềm đạm nhằm tránh những xung đột không đáng có.  
Hiện mọi người biết đến võ sư Lê Hoàng Mai là tác giả của nhiều bài võ tự vệ dành riêng phái nữ, đặc biệt là nữ công nhân và người khuyết tật. Không chỉ với võ sư Lê Hoàng Mai, nhờ thầy Ngô Khắc Hoàng huấn luyện, hướng thiện, đã có nhiều võ sư ưu tú đã trưởng thành, giúp đời theo đúng tinh thần võ thuật.

Tin cùng chuyên mục