
Ngày 13-5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng không nhân dân; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Dân quân tự vệ; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (luật sửa đổi bổ sung 11 luật).
Báo cáo tại Hội đồng, Đại tá Nguyễn Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Quốc phòng, cho biết dự án luật này nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, định hướng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
Trong đó, Luật Quốc phòng được sửa đổi, bổ sung 3 điều về thẩm quyền liên quan đến khu vực phòng thủ, thiết quân luật, giới nghiêm… Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được sửa đổi nội dung về giải ngạch quân nhân chuyên nghiệp dự bị.

Luật Nghĩa vụ quân sự được sửa đổi nội dung liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp xã và cấp tỉnh). Theo đó, chuyển thẩm quyền quyết định công nhận dân quân thường trực hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) trong thời bình của chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự (CHQS) cấp huyện về chỉ huy trưởng bộ CHQS cấp tỉnh; chuyển thẩm quyền ra lệnh gọi công dân đăng ký NVQS lần đầu, đưa ra khỏi danh sách NVQS của chỉ huy trưởng ban CHQS cấp huyện về chủ tịch UBND cấp xã.
Luật này cũng bổ sung thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập các hội đồng khám sức khỏe khu vực theo đề nghị của sở y tế; quyết định danh sách gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; quyết định tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ; bổ sung thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã ra lệnh gọi từng công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân…
Các ý kiến tại phiên họp đề nghị ban soạn thảo bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm “6 rõ”, trong đó có: rõ nội dung sửa đổi, nội dung nào thêm mới, nội dung nào được bỏ; chú trọng đến 3 vấn đề liên quan phân cấp; giải trình rõ vấn đề tổ chức biên chế… Liên quan đến thủ tục hành chính, cần giải trình rõ bao nhiêu thủ tục giảm, giảm bao nhiêu thời gian giải quyết thủ tục hành chính đó; đồng thời thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước…
Kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bộ, ngành để tránh chồng chéo, bất cập; đánh giá cẩn trọng tác động của các thủ tục hành chính phát sinh.