- Nước lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang lên cao
(SGGP).- Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, những ngày qua ở trung, hạ lưu sông Mê Công đã có mưa vừa, mưa to. Lũ thượng nguồn sông Mê Công về kết hợp với kỳ triều cường nên trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên lên với cường suất 3 - 4cm/ngày. Đến ngày 13-9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên mức báo động 2, sau đó còn tiếp tục lên. Tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2. Trong khi đó, tại vùng Tứ giác Long Xuyên, hàng trăm hécta lúa thu đông (lúa vụ 3), chủ yếu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã bị chìm trong nước lũ. Ngành nông nghiệp tỉnh này cho rằng, đây là diện tích lúa do nông dân tự sản xuất, tỉnh không khuyến khích.
Dự kiến ngày 15-9, hai đập Tha La và Trà Sư sẽ xả lũ ra biển Tây nên mực nước tại các trạm thủy văn trong vùng Tứ giác Long Xuyên lên nhanh 3 - 5cm/ngày.
Tỉnh An Giang, Đồng Tháp yêu cầu các huyện đầu nguồn và khu vực vùng trũng Tứ giác Long Xuyên tăng cường kiểm tra hệ thống cống, đê bao để bảo vệ hoa màu, lúa cá, đưa dân vùng ngập đến nơi an toàn. Nhiều khả năng sẽ có thêm diện tích lúa thu đông ở Kiên Giang bị lũ nhấn chìm.
Liên tục trong 3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có mưa to trên diện rộng, gây ngập úng nhiều nơi. Tại thành phố Cà Mau, từ 4 giờ sáng cho tới 7 giờ có mưa rất to, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố đã chìm trong nước. Hầu hết các huyện trong tỉnh cũng đều có mưa to và rất to, có nơi có dông và gió giật. Tuy nhiên, mưa cũng giúp cải thiện tình hình sản xuất. Tình trạng hơn 20.000ha đất nuôi trồng thủy sản thiếu nước đã được khắc phục. Bà con nông dân đã tích cực thả tôm nuôi. Tại khu vực rừng tràm U Minh Hạ, mực nước lên cao, thuận lợi để triển khai công tác trồng rừng theo kế hoạch. Mưa to, biển động cũng là thời điểm thuận lợi cho các phương tiện khai thác thủy sản trên biển, vì vậy, hầu hết tàu thuyền tại các cửa biển đều đã ra khơi, tổ chức sản xuất. Theo báo cáo, vào thời điểm này có trên 4.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp Tây Bắc - Đông Nam có trục qua Bắc Trung bộ nối với vùng áp thấp trên khu vực vịnh Bắc bộ, kết hợp với đới gió Đông đến Đông Nam phát triển, trong 2 ngày qua trên địa bàn Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Đến sáng 11-9, thời tiết vẫn mưa to, mực nước các sông đang lên. Mưa lớn đã gây ảnh hưởng đến hệ thống công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, nhiều tuyến đường bị ngập nước, ách tắc, có nơi ngập sâu 1,3m, điển hình là các tuyến đường ĐT598A và ĐT545. Đây là những tuyến đường giao thông quan trọng nối từ huyện Quỳnh Lưu đi huyện Nghĩa Đàn, từ huyện Nghĩa Đàn đi huyện Tân Kỳ và qua nhiều xã miền núi trong tỉnh, với lưu lượng người, xe đi lại hàng ngày lớn. Ngành giao thông vận tải Nghệ An đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương triển khai việc cắm cọc tiêu, biển báo, cảnh báo cho người và phương tiện đi đường biết sự cố và thực hiện các giải pháp, chờ nước rút để sớm thông xe trên các tuyến đường này.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 9 đến 11-9, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Tính đến 7 giờ sáng 11-9, lượng mưa đo được phổ biến từ 100 - 250mm, nhiều nơi mưa trên 300mm như Thanh Hóa: 387mm, Tĩnh Gia: 622mm, Tây Hiếu: 331mm, Hương Khê: 479mm. Lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang lên, riêng sông Cả đang lên nhanh. Mực nước lúc 10 giờ ngày 11-9 trên sông Cả tại Dừa là 20,25m, dưới báo động (BĐ) 1: 0,25m; Tại Nam Đàn là 4,50m, dưới BĐ1: 0,90m.
Dự báo hôm nay 12-9, lũ các sông ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh tiếp tục lên nhưng còn dưới mức BĐ1; các sông Nghệ An lên nhanh và ở mức cao. Trưa 12-9, mực nước sông Cả tại Dừa có khả năng lên mức 22,5m (ở mức BĐ2); tối và đêm mai, mực nước tại Nam Đàn lên mức 6,9m (ở mức BĐ2).
Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập ứng ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh hạ lưu ven sông Cả.
Nhóm PV