
* Rừng thông chết khô
Hàng loạt hợp tác xã nông nghiệp (HTX) tại miền Trung đang điêu đứng vì lúa Hồng Ngọc thu hoạch từ vụ đông xuân 2015 không có người mua do xuất hiện tin đồn thất thiệt. Trong khi, người trồng thông lấy nhựa tại Quảng Trị như ngồi trên lửa vì cây trồng chết khô hoặc không cho nhựa do sâu bệnh.

Nông dân điêu đứng vì tin đồn thất thiệt ăn gạo Hồng Ngọc bị bệnh tiểu đường.
Thời điểm này những năm trước, các xã viên HTX nông nghiệp Phú Dương (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã xuống giống lúa Hồng Ngọc gieo cấy cho vụ hè thu thì năm nay nông dân lại không còn mặn mà với giống lúa mới này nữa, khiến diện tích giảm đến 70%. Thay vào đó, họ quay trở lại sản xuất các giống lúa truyền thống như Khang Dân, 4B.
Ông Trần Hữu Toàn, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phú Dương cho biết, giống lúa Hồng Ngọc do Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long cung cấp có khả năng chịu mặn tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất cao gấp 1,5 - 2 lần so với các giống lúa truyền thống. Trồng thử nghiệm thành công, nhiều HTX nông nghiệp có chân ruộng thấp ở cuối nguồn các con sông, thường xuyên bị mặn xâm nhập tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình đã đưa vào sản xuất đại trà giống lúa Hồng Ngọc. Nhưng khoảng 2 tháng qua, gạo Hồng Ngọc vốn được tư thương ưa chuộng, thu mua với giá 18.000đồng/kg giờ lại không có mua hoặc mua với giá chỉ 6.000 - 7.000đồng/kg.
Nguyên nhân do xuất hiện tin đồn gạo từ giống lúa này có nhiều tinh bột, người ăn sẽ bị... tiểu đường. Tính riêng HTX nông nghiệp Phú Dương đang tồn kho đến 260 tấn lúa Hồng Ngọc khiến gần 200 xã viên của HTX và nhiều nông dân khác trong vùng bỏ trồng lúa Hồng Ngọc.
Xoay quanh tin đồn lúa Hồng Ngọc ăn vào bị bệnh tiểu đường, bác sĩ Nguyễn Trung Huy, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, nguyên nhân bệnh đái tháo đường ngoài yếu tố di truyền, bệnh béo phì và các bệnh lý khác thì đến nay nguyên nhân đích thực vẫn chưa được các nhà khoa học tìm ra. Tương tự, ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt và Chăn nuôi thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, nói gạo Hồng Ngọc có nhiều tinh bột gây tiểu đường là không có cơ sở. Sở NN-PTNT sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng kịp thời xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt.
Trong khi đó, nắng nóng kéo dài đã khiến hơn 500ha rừng thông lấy nhựa của các lâm trường và hộ gia đình trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Gio Linh của tỉnh Quảng Trị chết khô. Ngoài ra, khoảng 2.000ha rừng thông từ 25-35 năm tuổi của Công ty Lâm trường Đường 9 Lê Lữ và một số lâm trường khác tại Quảng Trị khó có khả năng phục hồi do sâu róm cắn phá với mật độ 100 con/cây. Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đang xác định diện tích thông chết để trình UBND tỉnh xin được thanh lý trồng lại rừng trong năm 2015.
Đồng thời, phối hợp với các lâm trường và hộ dân triển khai phương án phòng chống cháy tại các điểm rừng thông bị chết trước tình hình nắng nóng kéo dài. Tổ chức khoanh vùng dập dịch sâu róm, bảo vệ diện tích còn lại.
Văn Thắng