Luận bàn phải công tâm

Luận bàn phải công tâm

(Nhân đọc các bài bình luận “Truyện hay sử Việt: Xuyên tạc ngôn từ!” và “Truyện hay sử Việt: Vẽ râu cho chính sử?!” của tác giả Tú Anh, Mỹ Hà - báo Gia đình & Xã hội)

Luận bàn phải công tâm ảnh 1
Các tập truyện thuộc bộ “Truyện hay sử Việt”. Ảnh: S.P

Ông bà ta thường nói: “Có tích mới dịch nên tuồng”, nên dẫu là truyện dã sử để kể cho các em nghe như bộ Truyện hay sử Việt, chúng tôi, những người làm sách đã vừa dựa trên chính sử, vừa dựa trên các giai thoại hẳn hoi, chỉ với mong mỏi các em đọc, thích thú và nhớ sử, thích môn sử và tham vọng thêm chút nữa là yêu sử nước nhà là chúng tôi vui lắm thay! (Nói thật cách này trên thế giới người ta đã làm từ lâu, làm nát nước và mang lại hiệu quả).

Thiết tưởng cũng cần nhấn mạnh: Dã sử không phải và không bao giờ là chính sử! Và truyện tranh không phải sách giáo khoa! Chuyện này ai cũng đã biết, nhưng không phải ai cũng chịu biết cho thấu đáo, cho tận tường trước khi đặt bút phê bình.

Khác với nhiều bộ truyện về lịch sử trước đây đã từng xuất bản, Truyện hay sử Việt có cách kể chuyện khác, thông qua các câu chuyện chính sử, đội ngũ biên soạn đã kể lại theo lối dã sử, đan xen những yếu tố kỳ bí, vui nhộn, và để các nhân vật lịch sử trở nên gần gũi với trẻ con hơn, những người làm sách cố gắng kể các câu chuyện bằng ngôn ngữ của trẻ, những nhân vật lịch sử được cụ thể hóa qua những hình ảnh nhiều màu sắc.

Kết hợp với bối cảnh làng quê, trang phục Việt và con người VN qua nét vẽ hóm hỉnh của trường phái Chibi (thể loại truyện tranh của Hàn Quốc) tạo nên sức hấp dẫn, đáng yêu vốn thiếu nhiều trong những quyển sách lịch sử dành cho trẻ nhỏ hiện nay.

Trên thực tế, ngoài sách giáo khoa ra, trẻ em VN không có nhiều kênh tiếp cận với lịch sử nên kênh truyện tranh vẫn là một trong những phương án tối ưu mà công ty Phan Thị đã mạnh dạn đầu tư với rất nhiều công sức, tâm huyết của cả một đội ngũ biên soạn và làm sách chuyên nghiệp từ sự cộng tác của các nhà nghiên cứu sử học, nhà văn, nhà báo, họa sĩ... Chính vì các hình vẽ sống động như thế nên hầu như các em thiếu nhi khi tiếp xúc với tác phẩm đều có được ấn tượng riêng về những nhân vật lịch sử. Truyện hay sử Việt được các bậc phụ huynh và nhất là bạn đọc độ tuổi thiếu nhi thích thú đón nhận trong suốt thời gian qua.

Các bài phê bình nhắc rằng Truyện hay sử Việt “có nhiều yếu tố hoang đường, huyễn hoặc”. Thế thì những huyền sử đời Hùng, chuyện Thánh Gióng, chuyện Chử Đồng Tử, tích hồ Hoàn Kiếm... cùng vô vàn truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn khác của lịch sử VN thì sao đây?

Bình luận cần phải công tâm, chỉ lướt qua truyện theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, bới lông tìm vết, rồi lôi ngay những cái thiếu sót nhỏ nhặt để báng bổ, chê bai liệu có phải là hành động đúng của người dẫn chính luận? Nói rằng “phải giữ nguyên những dấu ấn ngôn ngữ đã hóa thạch” liệu có cần thiết, có cần cho trẻ và có công bằng với trẻ nhỏ? Nếu để nguyên, bê hết vào truyện những thoại ngữ, cổ ngữ, Hán ngữ... e sách làm ra chỉ để dành cho đối tượng độc giả là các nhà sử học, nhà nghiên cứu chứ chẳng trẻ nhỏ nào “nuốt” nổi.

Việc giản lược câu chữ nhằm cho bạn đọc nhỏ dễ hiểu, dễ nhớ, vừa giải trí vừa ít nhiều biết sử, nhớ sử. Ví dụ Thượng hoàng Trần Nghệ Tông chiếu rằng: “... Từ khi Quan gia lên ngôi đến nay, lòng dạ trẻ con, giữ đức không thường, gần gũi bọn tiểu nhân, nghe lời gièm pha vu hãm công thần, làm lung lay xã tắc...” được giản dị hóa bằng: “Mi lòng dạ trẻ con, nghe lời tiểu nhân định hại công thần, coi nhục huyết thống là làm nguy xã tắc, biết không?”

Chuyện Quý Ly thuở trẻ rèn võ thuật là sự thật, và người truyền dạy là Sư Tề, họ Nguyễn (Đại Việt Sử ký toàn thư). Không những thế, Quý Ly còn kết nghĩa anh em với Nguyễn Đa Phương là con của Sư Tề, về sau cả hai đều làm quan triều Trần, Đa Phương là võ tướng khét tiếng thời Trần Phế Đế (1377-1388). Bộ ba Phạm Cự Luận, Nguyễn Đa Phương, Hồ Quý Ly đã khiến cho cả triều đình phải khiếp sợ. Sau, Đa Phương cậy mình có công lao, chê bai cả Quý Ly và cuối cùng bị hại.

Chuyện học võ rồi tiến thân bằng võ cử cũng hợp lý như sĩ tử theo nghiệp khoa bảng. Hơn nữa, Quý Ly và Đa Phương đều là võ tướng thì tình tiết này là hợp logic để tạo nên dã sử và tôn vinh nhân vật.

Nói Hồ Quý Ly được trọng dụng nhờ có hai bà cô làm Hoàng phi, người kể vẫn giữ nguyên và đưa vào đoạn Nghệ Tông gả công chúa cho Quý Ly khi biết ra mối quan hệ này (Chuyện Câu đối nên duyên). Nói về thân thế của Quý Ly “thuở trẻ ngược xuôi buôn bán”... là dựa theo Chuyện kể câu đối Việt Nam của tác giả Vũ Xuân Đào (NXB Thanh Hóa), chứ không hề “bịa đặt” như bài báo đã nêu. Nếu bảo “hoang đường, bịa đặt”, tưởng người viết bài phê bình trên cũng nên tìm hiểu về thần tích, thần phả của các nhân vật được nhân dân ta bấy lâu nay tôn thờ, kẻo lại động chạm đến tín ngưỡng không ít người.

Các ý kiến đóng góp, phê bình, nhằm làm cho việc biên soạn các bộ sách ngày càng tiến bộ, hoàn thiện hơn, vì mục đích chung là “hâm nóng” lại tình yêu sử Việt của giới trẻ từ lâu đã được cảnh báo là thờ ơ, quên sử, chán sử, ngán sử... - rất đáng hoan nghênh nhưng việc phê bình ấy nhất thiết phải dựa trên cứ liệu lịch sử chuẩn xác, thuyết phục, công tâm và thiện chí.  

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

“Đưa lịch sử vào tranh truyện là việc làm sáng tạo, nhằm dạy các em thiếu nhi học sử Việt là việc làm đáng hoan nghênh. Sự sáng tạo này trên thế giới cũng đã áp dụng nhiều nên cần phải khuyến khích, bởi đó là cách làm trẻ hóa lịch sử”.

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Nghị:

“Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ý kiến từ các nhà nghiên cứu giáo dục và tâm lý trẻ em đều cho rằng, một trong các yếu tố quan trọng để giáo dục trẻ hiệu quả là phải hiểu và nói bằng chính ngôn ngữ của trẻ. Truyện tranh nói chung và truyện tranh Phan Thị - cụ thể là bộ truyện Truyện hay sử Việt - nói riêng đã ít nhiều làm được và làm tốt điều đó. Bên cạnh đấy, việc giáo dục trẻ thông qua các câu chuyện lịch sử hoặc bằng chính các câu chuyện thú vị của lịch sử một cách tự nhiên, không gượng ép... là một cách làm đã có từ lâu (và hầu hết mang lại hiệu quả như mong muốn) ở các nước, đặc biệt là Pháp, Trung Quốc...

Các truyện có bố cục gọn gàng, tự nhiên; lời văn vui tươi, dí dỏm, chắc chắn sẽ cuốn hút trẻ. Người đọc có thể thấy rõ mục đích giáo dục của từng câu chuyện, được lồng ghép một cách khéo léo thông qua các sự kiện diễn ra mà không lộ liễu như những lời khuyên răn hay lên lớp. Ưu điểm này hẳn sẽ làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn đối với các độc giả trẻ tuổi, vì tầng lớp này vốn thích đọc truyện hơn là những bài lên lớp, giáo điều...”.

Lê Bá Hiền - Phạm Thanh Thảo

Tin cùng chuyên mục