Luật Phá sản nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp “hồi sinh”

(SGGPO).- Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vừa được phân tích, cho ý kiến tại cuộc hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức sáng 5-3 tại Hà Nội.

(SGGPO).- Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vừa được phân tích, cho ý kiến tại cuộc hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức sáng 5-3 tại Hà Nội.

Những kiến nghị tại hội thảo này là cơ sở cho việc tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XIII xem xét và thông qua vào kỳ họp thứ 7 tới. Các ý kiến tại hội thảo thống nhất nhận định, Dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) đã tránh được khuynh hướng hình sự hóa việc phá sản của Luật hiện hành, thể hiện quan điểm mới về việc phá sản đối với quyền lợi của doanh nghiệp, các bên liên quan cũng như với cơ quan thực thi pháp luật.

Nhiều đại biểu cho rằng, các điều khoản trong Luật Phá sản (sửa đổi) phải chặt chẽ hơn để tránh việc “ép” phá sản. Ông Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban tư vấn và phản biện chính sách của Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam nhận xét rằng, khoản 1 Điều 4 của Dự thảo (“mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp, không thanh toán khoản nợ đến hạn khi chủ nợ yêu cầu”) là chưa chặt chẽ, dễ dẫn đến việc có hàng loạt đơn đề nghị yêu cầu các doanh nghiệp phá sản.

“Hiện nay, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ đến 35%, còn lại là vay. Vì vậy khả năng bị mất cân đối là tương đối nhiều. Mất cân đối dòng tiền chưa phải là đã bị phá sản, chỉ là chưa có đủ tiền trả tại một thời điểm nhất định. Thứ 2 là “mất khả năng thanh toán”. Trường hợp này chỉ xảy ra khi bán toàn bộ tài sản doanh nghiệp theo giá trị thị trường nhưng vẫn không trả được các khoản nợ đến hạn. Chỉ trong trường hợp này, doanh nghiệp mới bị coi là lâm vào tình trạng phá sản”, ông Tiền bình luận.

Đáng lưu ý, theo ông Justin Yap, chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), việc phá sản phải được tiến hành dựa trên nguyên tắc tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, nhằm trợ giúp doanh nghiệp có khả năng tái cơ cấu để tiếp tục sản xuất.

“Kể cả khi cần thanh lý cũng cần tối đa hóa giá trị từ việc thanh lý tài sản. Muốn vậy, cần chú trọng 2 điểm. Thứ nhất, Luật cần quy định người quản lý tài sản được trao đầy đủ quyền hạn để có thể thực hiện một cách tốt nhất trách nhiệm, nhiệm vụ của người quản tài viên. Ngược lại, cần đảm bảo người đó có đủ năng lực cần thiết và được giám sát chặt chẽ trong quá trình quản lý tài sản phá sản”, ông Justin Yap bình luận.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục