• Thực hiên thanh toán qua tài khoản đối với các khoản thu, chi có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên
(SGGPO).- Theo dự thảo Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng (vừa chuyển Bộ Tư pháp họp thẩm định ngày 12-8), dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 11 Chương với 128 điều.
Đáng lưu ý, dự thảo luật sửa đổi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng; xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý. Đồng thời, ngoài những đối tượng theo quy định của Luật hiện hành, khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” đã bổ sung thêm đối tượng “người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư” và “Chủ tịch, Tổng thư ký, Kế toán trưởng, Trưởng ban Kiểm tra của tổ chức xã hội”. Quy định này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Ảnh minh họa
Về các hành vi tham nhũng, tuy cơ bản giữ nguyên quy định về các hành vi tham nhũng như Luật hiện hành, song dự thảo Luật đã được chỉnh lý, làm rõ cho phù hợp và đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng.
Một điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo luật sửa đổi là chế định “xây dựng liêm chính trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị”, được coi như một trong những trụ cột quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Chế định này hình thành trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật hiện hành, bao gồm: quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh. Giáo dục liêm chính và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện giáo dục liêm chính cũng là những nội dung mới được bổ sung và là nền tảng quan trọng trong việc hình thành, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, một quy định mới (điều 37) đã được bổ sung, đó là việc thực hiện thanh toán qua tài khoản đối với các khoản thu, chi có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên; trong đó bắt buộc áp dụng thanh toán qua tài khoản đối với một số trường hợp nhất định...
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 2 (khai mạc tháng 10-2016).
ANH PHƯƠNG