Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Luật sư không thể quên trách nhiệm công dân

Sáng 27-5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì hội nghị góp ý về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều cùa Bộ luật Hình sự 2015.

Cùng ngồi trên bàn chủ tọa với Chủ tịch Quốc hội là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện cơ quan soạn thảo.  

Luật sư không thể quên trách nhiệm công dân ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì  hội nghị sáng 27-5-2017.
Dù tại phiên họp thảo luận về nội dung này tại Quốc hội (ngày 24-5), chỉ còn 24 vị ĐBQH đăng ký mà chưa được phát biểu, song phiên họp đặc biệt sáng nay (được Chủ nhiệm Tư pháp Lê Thị Nga cho biết là chưa có tiền lệ) đã có khoảng 40 vị ĐBQH tham dự.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu hiện tượng “ngày nào cũng có vài clip quay cảnh đánh nhau và phát tán lên mạng, lan toả cái xấu”. Ở đây không chỉ có những người trực tiếp hành hung mà còn có cả nhóm người xúi giục đánh nhau với sự vô cảm, đồng loã ngày càng rõ hơn. Vì thế dự thảo luật cần quy định rõ hơn, dễ hiểu hơn về tội làm nhục người khác.

ĐB Đào Vũ Hoa (Hà Nội) đề nghị cân nhắc việc bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vì trên thực tế hành vi này có thể do pháp nhân thực hiện, nhưng dự thảo lại quy định chỉ xử lý với cá nhân là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, nếu cá nhân kinh doanh đa cấp, thu lời bất chính thì có thể xử lý theo tội danh khác như tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản thì hình phạt cao nhất có thể tới chung thân còn hình phạt cao nhất cho tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp hình phạt cao nhất chỉ là 5 năm tù. Việc bổ sung tội danh trên lo ngại có thể dẫn đến xử lý hình sự tràn lan, ĐB bày tỏ lo ngại.

Quan tâm đến các quy định về an toàn thực phẩm, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) yêu cầu xác định rõ danh mục chất cấm sử dụng, bởi đưa từ “biết rõ” vào có thể thực tế sẽ xảy ra trường hợp dối tượng vi phạm chối là không biết rõ... Nên quy định rõ danh mục cấm để có chứng lý rõ ràng – ông Thành khuyến nghị. Việc xử lý đồng mức vi phạm với cả 3 đối tượng: nhà nhập khẩu, nhà cung cấp và người bán lẻ, theo ông, cũng chưa hợp lý, vì nhóm nhập khẩu và cung cấp là những người kinh doanh có hiểu biết, phải yêu cầu cao hơn nhóm bán lẻ…

Tuy đã phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 24-5, song ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục kiến nghị về vấn đề miễn trừ trách nhiệm tố giác thân chủ của luật sư. “Hài hòa trách nhiệm của người bào chữa và trách nhiệm công dân thì luật sư như thế nào. Nếu tố giác thì xã hội có tẩy chay nghề luật sư hay không. Chúng tôi khẳng định luôn, quy định như dự thảo thì niềm tin của khách hàng với người bào chữa nói riêng và niềm tin của xã hội với nghề luật sư nói chung sẽ mất dần và nghề có thể sẽ thui chột. Cho nên trừ những tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thân chủ chuẩn bị hoặc lên kế hoạch thực hiện thì phải báo ngay, còn tội phạm đã thực hiện thì nên miễn trừ cho luật sư và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra…”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tranh luận với ĐB Đỗ Ngọc Thịnh. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, là công dân, ngoài đạo đức nghề nghiệp, luật sư còn phải thực hiện trách nhiệm của công dân nữa. Chủ tịch đề nghị Liên đoàn Luật sư quan tâm thêm đến những nội dung khác nữa trong 500 điều của Bộ luật Hình sự, đừng chỉ quan tâm bảo vệ lợi ích của ngành mình…

Tin cùng chuyên mục