Vụ bê bối của ngân hàng HSBC (Anh) trụ sở tại Thụy Sĩ giúp hơn 100.000 khách hàng giàu có trốn thuế và che giấu các khoản thu nhập bất minh với tổng số tiền lên đến hơn 100 tỷ USD không những làm rúng động nền tài chính thế giới, mà còn đang làm báo chí thế giới sôi sục và chính trường nhiều nước bị xáo trộn.
Đối với một số quốc gia liên quan đến vụ được gọi là Swissleak này, bản danh sách của ngân hàng HSBC gây ra nhiều phiền toái về luật pháp và chính trị. Ngày 12-2, ban biên tập cùng tập thể phóng viên của tờ Le Monde (Pháp) đã phản ứng giận dữ trước những chỉ trích của 2 doanh nhân chủ sở hữu tờ báo này về quyết định phanh phui vụ bê bối của ngân hàng HSBC. Pierre Berge, Chủ tịch Hội đồng giám sát của tờ Le Monde - một nhân vật tiếng tăm trong ngành truyền thông và ngân hàng Pháp cùng với Matthieu Pigasse - một cổ đông lớn của nhiều phương tiện truyền thông Pháp - đã chỉ trích: “Vai trò của một tờ báo là ném tên của hàng trăm ngàn người ra ngoài kia ư?”.
Le Monde là tờ báo đi đầu cùng với một số tờ báo khác như Guardian, hãng tin BBC và tổ chức phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) có công phanh phui chi nhánh ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ đã giúp hơn 100.000 khách hàng, từ hơn 200 quốc gia trên thế giới, trốn thuế với tổng số tiền trong tài khoản lên tới 119 tỷ USD (104 tỷ EUR). Các tài liệu cho thấy, chi nhánh ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ biết rõ các khách hàng muốn giấu tiền để trốn thuế. Một số khách hàng của ngân hàng HSBC còn tới Geneva để rút một lượng tiền mặt rất lớn và đôi khi còn ghi chú mục đích sử dụng chúng.
Nếu như tại Pháp, bê bối của ngân hàng HSBC làm cánh phóng viên bị giới tài phiệt “điểm mặt” là vượt quyền hạn, thì ở Anh, Nga, Tây Ban Nha… vụ việc ngân hàng HSBC đã trở thành tiêu điểm của báo giới những ngày gần đây. Sức ép truyền thông đã châm ngòi cho làn sóng yêu cầu các chính phủ phải mạnh tay hơn trong cuộc điều tra. Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ cũng đã đề nghị Chính phủ công bố tất cả những gì họ biết về số tài liệu này. Bỉ còn tính phát lệnh truy nã quốc tế với các giám đốc chi nhánh ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ngân hàng HSBC vẫn chưa phải chịu một lời cáo buộc nào từ Chính phủ Anh, mặc dù vụ bê bối này đang gây nên những cuộc tranh cãi chính trị trên chính trường xứ sở sương mù. Ngày 10-2, hai chính đảng Bảo thủ và Công đảng đồng loạt đổ trách nhiệm cho nhau về việc trước đó đã không hành động thỏa đáng để ngăn chặn tình trạng trốn thuế. Công đảng - đảng đối lập của Anh đang tràn đầy hy vọng giành chiến thắng tại cuộc tổng tuyển cử ngày 7-5 tới - đang đối mặt với những cáo buộc rằng họ đã không hành động đủ mạnh để ngăn chặn nạn trốn thuế khi Chính phủ Anh do Công đảng lãnh đạo nắm quyền điều hành đất nước (từ 1997 đến năm 2010).
Vụ bê bối của ngân hàng HSBC được cho là vụ rò rỉ thông tin ngân hàng lớn nhất trong lịch sử từ trước tới nay và cũng đã trở thành vụ bê bối tài chính lớn nhất trong những tháng đầu năm 2015. Những ngày sắp tới, chắc chắn những cái tên trong “danh sách HSBC” sẽ còn gây xáo trộn nhiều trên thị trường tài chính và chính trường thế giới, bởi trốn thuế chỉ là bề nổi của vụ bê bối này. Theo thông báo của tờ Le Monde, loạt bài điều tra sắp tới của họ sẽ hé lộ thêm cả những yếu tố khiến ngân hàng HSBC bị tình nghi liên quan đến việc che giấu các khoản tài chính tiếp tay cho các tổ chức khủng bố và nạn rửa tiền.
HẠNH CHI