Lún sụt tại TPHCM: Nỗi lo lớn

Thiệt hại cho xã hội
Lún sụt tại TPHCM: Nỗi lo lớn

Cho đến thời điểm này, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 57 vụ lún sụt và chúng đang trở thành một trong những nỗi lo lớn của người dân thành phố trong thời gian gần đây.

Thiệt hại cho xã hội

Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, về cơ bản đơn vị nào gây ra sự cố lún sụt sẽ phải chịu toàn bộ chi phí xử lý và kể cả chi phí bồi thường cho người bị thiệt hại vì sự cố. Như vụ bồi thường cho chiếc taxi Vinasun bị sụp hố trên đường Lê Văn Sĩ, nhà thầu của dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đơn vị thi công đoạn đường này đã bồi thường 50 triệu đồng cho hãng taxi nêu trên.

Lún sụt tại TPHCM: Nỗi lo lớn ảnh 1

Một hố lún sụt trên đường Hai Bà Trưng, Q.1. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, nguyên tắc này có được thực thi nữa hay không, Sở GTVT cũng không dám chắc vì trên địa bàn thành phố đã bắt đầu xuất hiện các hố lún sụt ở những khu vực chẳng có đào đường, chẳng có thi công lắp đặt hệ thống ống cấp, thoát nước mới… Nghĩa là khó tìm ra được đơn vị thi công nào đó phải bồi thường.

Chi phí xử lý mỗi sự cố lún sụt không giống nhau mà tùy vào quy mô của sự cố. Song như ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 1 - đơn vị thay mặt Sở GTVT trực tiếp quản lý toàn bộ hệ thống giao thông trong khu vực trung tâm thành phố cho biết, sơ bộ cũng vào khoảng 100 triệu đồng/sự cố. Như vậy, với 57 vụ lún sụt xảy ra trong thời gian qua, tính sơ các nhà thầu đã tốn khoảng 5,7 tỷ đồng. Tuy là tiền của các nhà thầu nhưng tổn hại này là của toàn xã hội. Đó là chưa kể những bất ổn về mặt tâm lý cho người dân khi lưu thông.

Thế nhưng, số tiền nêu trên vẫn là con số rất nhỏ so với toàn bộ kinh phí duy tu, bảo dưỡng đường hàng năm mà TPHCM phải bỏ ra để giải quyết vấn nạn lún. Cũng theo ông Lê Quyết Thắng, chỉ tính riêng trên địa bàn khu 1, thời gian gần đây đã phải chi hàng chục tỷ đồng để… bù lún, nâng đường. Hàng loạt con đường của thành phố vừa mới xây dựng xong vài ba năm đã bị lún tới vài tấc. Điển hình như đường Phạm Thế Hiển, mới xây dựng được hơn hai năm đã lún khoảng 40cm, quốc lộ 50 vừa làm xong cách nay khoảng 3 năm đã lún gần 70cm… Và đặc biệt, đường Nguyễn Hữu Cảnh, từ khi xây dựng xong và đưa vào sử dụng đến nay, mới khoảng 7 - 8 năm, đã lún tới hơn 1m, làm thành phố phải liên tục tốn tiền bù lún.

Không chỉ các con đường mới lún mà trong nhà dân cũng bị lún. Ông Lê Quyết Thắng cho biết, rất nhiều nhà dân trong khu vực đường Phạm Thế Hiển cũng bị lún đến vài chục cm… Những tổn thất này, chưa ai tính toán được.

Giải bài toán phát triển đô thị

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nhận định và phân tích, nền đất ở TPHCM vốn là nền đất yếu. Xây dựng trên một nền đất “khó tính” như vậy phải khảo sát địa chất rất kỹ, phải tính toán thật chuẩn... trên cơ sở thích ứng tốt nhất với tự nhiên.

Đầu tiên là phải quản lý tốt nguồn nước bởi thực tế cho thấy hầu hết các vụ lún sụt trong thời gian qua đều dính dáng đến nước. Trước mắt, nên kiểm soát hiệu quả việc khai thác nước ngầm. Nước ngầm là một trong những thành phần giúp tăng khả năng chịu lực của đất. Một khi lượng nước này bị khai thác quá mức sẽ làm giảm khả năng chịu lực của đất, làm đất lún xuống. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho biết, một trong những lý do giúp tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố không bị lún trong quá trình xây dựng là do nhà thầu liên tục bơm nước vào để giữ ổn định nền đất.

Việc giữ cho nước trong hệ thống cống cấp, thoát nước không bị xì, cũng là một giải pháp hữu hiệu chống hiện tượng lún sụt. Để làm tốt việc này, ngành chức năng phải kiểm soát được hai vấn đề: công tác lắp đặt ống mới đúng kỹ thuật và thay thế, sửa chữa ngay ống cũ khi có hiện tượng xuống cấp, xì bể. Tình trạng ngập nước do mưa và triều tuy chưa được nêu tên trong danh sách những nguyên nhân gây ra các sự cố lún sụt song theo các chuyên gia trong ngành xây dựng, chúng đang là một trong những nguy cơ lớn làm hư hỏng hệ thống đường của thành phố. Ông Lê Toàn cho biết, Sở Giao thông Vận tải vừa phải có một văn bản báo cáo UBND TPHCM về tình trạng ngập nước gây hư hại hệ thống đường giao thông, nhất là ngập nước do triều cường.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, tất cả những giải pháp nêu trên là cần thiết và phải được triển khai thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ chính là việc phát triển đô thị một cách bền vững. Cách nay khoảng 20 năm, TPHCM đã xác định phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm. Tuy nhiên, ngoài khu Nam phát triển tương đối, các khu vực khác hầu như chưa nên hình hài. Tất cả vẫn dồn về khu vực trung tâm trong khi đó ở đây hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cấp, thoát nước đã cũ kỹ. Theo thống kê của Sở GTVT, hiện vẫn còn hơn 50% hệ thống cống cấp, thoát nước của thành phố được hình thành từ thời Pháp thuộc. Để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước của số dân đã tăng gấp gần 10 lần so với trước, thành phố phải liên tục đào đường để cải tạo lại ống cũ và lắp đặt thêm ống mới.

Trong điều kiện cụ thể của TPHCM, giải pháp căn cơ chính là đầu tư mạnh mẽ cho các đô thị vệ tinh để từng bước giãn dân ra ngoại ô. Trong đó nên ưu tiên phát triển đô thị trên nền đất cứng, cụ thể là ở khu vực Tây Bắc và một phần Đông Bắc của thành phố. Xây dựng ở đây không những ít tốn chi phí hơn mà cũng ít phải lo đến việc đường sá, cầu, cống hoặc các công trình xây dựng khác bị lún sụt, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa nói.

Nguồn gốc các vụ lún sụt mặt đường tại TPHCM

Từ tháng 7 năm 2010 đến nay, đã xảy ra 57 vụ lún sụt mặt đường, cụ thể như sau:

– Hư hỏng hệ thống cấp nước cũ: 12 vụ chiếm 21,1%.

– Hư hỏng hệ thống thoát nước cũ: 21 vụ chiếm 36,8%.

– Hư hỏng tuyến cáp điện lực hiện hữu: 2 vụ chiếm 3,5%.

– Lái xe không tuân thủ biển báo: 1 vụ chiếm 1,8%.

– Công trình hạ tầng hiện hữu bị hư bể trong phạm vi thi công công trình: 11 vụ chiếm 19,3%.

– Quá trình thi công công trình không tuân thủ đúng quy định về thi công: 10 vụ chiếm 17,5%.

– Các sự cố về lún sụt mặt đường không có thương vong về người, có 8 sự cố gây thiệt hại tài sản.

Nguồn: Sở Giao thông Vận tải

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục