Lược khảo về quả cà

Bất ngờ, báo chí mấy ngày hôm nay rộ lên chuyện Thần tích Thánh Gióng. Người ta tranh cãi rất hăng hái về việc Thánh Gióng có tắm ở Hồ Tây hay không? Chuyện này đã được đưa vào sách Tiếng Việt lớp 5.
Lược khảo về quả cà

Bất ngờ, báo chí mấy ngày hôm nay rộ lên chuyện Thần tích Thánh Gióng. Người ta tranh cãi rất hăng hái về việc Thánh Gióng có tắm ở Hồ Tây hay không? Chuyện này đã được đưa vào sách Tiếng Việt lớp 5.

Đó là một đoạn văn của nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết dựa trên tưởng tượng có căn cứ là những bài văn bia cổ. Trên tấm bia về lịch sử hình thành được đặt tại di tích đền Sóc có ghi rõ: “Giặc tan Gióng phi ngựa vượt sông Cái (sông Hồng) về phía Tây Hồ Tây buộc ngựa vào gốc cây trên đỉnh Gò Phượng Hoàng. Dân làng Cảo Động mang cơm cà dâng cho Gióng ăn. Ăn no, Gióng xuống Hồ Tây tắm mát. Rồi phi ngựa thẳng về núi Vệ Linh, bỏ lại giáp trụ, người ngựa bay về trời. Đó là ngày mồng chín tháng tư lịch trăng”. Thần tích luôn được biên soạn bằng trí tuệ dân gian và dĩ nhiên hư cấu. Việc nhà thơ viết một đoạn văn không hay lắm cũng là chuyện thường. Nhưng chi tiết Thánh Gióng ăn cơm cà lại đặc biệt gần gũi với người Việt.

Thánh Gióng ăn cà dĩ nhiên không phải là lịch sử. Chỉ sức tưởng tượng của người xưa hướng đến sự no đủ là có thật. Quả cà có lẽ là loại thực phẩm bền lâu nhất của người Việt chỉ sau cơm gạo. Không chỉ Thánh Gióng, Thạch Sanh cũng ăn cà. Bác Lưu Bình xưa cũng bị bạn học Dương Lễ cố tình hạ nhục bằng cách cho người nhà mang ra cơm hẩm với cà thiu để bạn quyết chí học hành trả oán. Tất nhiên có khuyến mại thêm nàng Châu Long tần tảo sớm hôm nâng khăn sửa túi. Và dĩ nhiên… muối cà! Không chỉ hạng thứ dân bần bách ăn cà, đọc trong Hồng Lâu Mộng thấy người nhà phủ Vinh có cách chế biến cà thật là rắc rối. Đại khái hầm gà lấy nước để hấp quả cà thái nhỏ như sợi tóc. Chín lần hấp và chín lần phơi… Còn khó tin hơn chuyện Thánh Gióng ăn hết một thúng cà gấp nhiều lần.

Dù biết rằng “Một quả cà là ba chén thuốc”, người Việt vẫn không ngừng ăn kể từ thượng cổ đến giờ. Ăn ở nhà, ăn ở ngoài đường, ăn ở bếp tập thể, ăn ở nhà hàng sang trọng. Đàn ông ăn cà lấy ngon, đàn bà ăn cà để giảm béo. Cà được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon miệng. Cà nhồi thịt, cà hấp, cà nướng, cà bung, cà muối xổi, cà muối chua.

Chợ búa Hà Nội chẳng đâu không có hàng cà muối. Sang trọng thì đựng trong cóng thủy tinh, đậy kín đáo. Bình dân hơn là quang gánh bày lộ thiên. Quãng những năm 60 thế kỷ trước có bà bán cà ngồi ở chợ đuổi phố Hai Bà Trưng. Chỉ một gánh cà nuôi sống cả nhà. Con cái trưởng thành về sau có người làm lãnh đạo phường. Bà cụ người đẫy đà lúc nào cũng mặc bộ đồng phục công nhân quẩy gánh cà muối ra chợ vào lúc gần trưa. Trên tay lủng củng những vòng ngọc và nhẫn vàng chói lọi. Cà của cụ muối không đâu sánh được. Mùi riềng, tỏi thơm nức. Độ chua mặn vừa vặn khẩu vị. Gánh cà chỉ hơn một giờ đồng hồ là hết nhẵn. Trẻ con trong phố gặp ngày mua được xóc cua nấu canh mồng tơi ăn với cà pháo muối là thi nhau vét nồi cơm cho đến hạt cuối cùng.

Không phải lúc nào cũng sẵn có quả cà tươi bán ở chợ. Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà. Phải đến tháng năm mới được ăn những quả cà đầu mùa. Người ta nén những vại lớn để ăn dần. Trong mùa cà phần nhiều ăn cà muối xổi. Cà bát và cà pháo thái ra ngâm nước muối nhạt phơi nắng độ một giờ. Vớt ra trộn với dấm tỏi ớt là có ngay món ăn trong ngày. Cà bát có hai loại. Cà tím và cà xanh. Cà tím dùng để nấu nhiều món tuyệt vời. Món cà bung thịt ba chỉ với xương xông lá lốt hầu như cô gái Hà Nội nào cũng biết nấu ngon lành. Cà xanh thường để nén chua mặn ăn dài lâu cho đến tận vụ cà sang năm. Cà nén trong vắt như miếng thạch thái nhỏ, bỏ hạt trộn với đường và ớt bột là món ăn lâu chán. Thậm chí trong bữa ăn trước khi muốn chuyển sang món mới thì cũng rất nên ăn một miếng cà.

Cà muối ở nhiều vùng miền có hương vị đặc biệt khác nhau. Nhiều người xứ Nghệ ở Hà Nội vẫn thường cầu kỳ vào tận quê mình để mua cà pháo và tương Nam Đàn mang ra. Quả cà trong miền đất nắng lửa ấy chắc nịch, dày cùi, ít hạt. Bài thơ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống quả cà dầm tương… bỗng chốc đã trở thành ca dao phổ biến của người Việt không phải không có lý do. Quả cà pháo trắng tinh ở vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận cũng là món ăn hiếm có. Ai đã từng ăn món cà pháo ấy chấm với mắm nêm và ớt chỉ thiên tím hẳn là khó quên.

Đất nước mấy nghìn năm giặc giã. Nhiều khi chỉ có mỗi mo cơm nắm với mấy quả cà muối là khăn gói lên đường. Vậy mà vẫn giữ gìn được độc lập cho đến tận hôm nay… n

3-2015

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục