Luồng đã có nhưng “thuyền” chưa vào!

Cho đến thời điểm này, việc tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sắp hoàn tất trên cả nước. Hơn 1,1 triệu “sĩ tử” tranh đua các nguyện vọng (NV) 1, 2, 3 rồi cũng chỉ có khoảng 250 ngàn em được mãn nguyện “giấc mơ ĐH”. Còn hơn 800 ngàn em, tức hơn 3/4 “lọt sàn” – mà nói như khẩu ngữ than thở thường thấy của các bậc cha mẹ – là chưa biết sẽ đi về đâu, làm gì, ra sao… Và sau những tiếng thở dài thất vọng là bao nỗi trăn trở của phụ huynh trong việc tìm cho con mình một lối đi vào đời. Chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng phần lớn trong số đó sẽ chọn hướng tiếp tục dùi mài kinh sử, năm sau ứng thí một phen nữa.

Trong khi đó năm nay, hơn 500 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và cơ sở dạy nghề của cả nước đang có nhu cầu tuyển 420.000 học viên, tức gần gấp đôi số chỉ tiêu của các trường ĐH. Không giống như mọi năm, để chuẩn bị bước vào năm học 2008-2009, ngay từ nửa năm trước,rất nhiều trường nghề tại TPHCM đã nỗ lực “thay da đổi thịt” về cơ sở trường lớp, trang thiết bị dạy học và đặc biệt là liên kết với các trường của một số nước phát triển để đào tạo giáo viên, cải tiến chương trình dạy nghề theo hướng tiên tiến, kỹ thuật cao, chuyên sâu, phù hợp với yêu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là bước đột phá quan trọng bởi lâu nay, nói đến các trường TCCN và cơ sở dạy nghề, người ta vẫn còn bị ám ảnh về tình trạng trường lớp tồi tệ, trang thiết bị nghèo nàn, chương trình lạc hậu, khi HS ra trường doanh nghiệp (DN) không sử dụng ngay được mà phải “đào tạo lại”, còn giáo viên thì “thầy không ra thầy, thợ không phải thợ”…

Việc chuyển biến của các trường nghề gần đây là một tất yếu. Trước hết, đó là đòi hỏi của sự sống còn cho chính các trường nghề nếu họ không muốn bị “xóa sổ”. Thứ hai, nhu cầu về đội ngũ công nhân lành nghề ngày càng bức bách. Riêng tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, hàng chục khu công nghiệp, khu chế xuất – nơi đảm bảo công ăn việc làm một cách ổn định nhất – mọc lên khắp nơi, cần hàng trăm ngàn lao động có kỹ thuật. Đã không ít DN đến mùa tuyển dụng đỏ mắt đi tìm thợ, thậm chí phải đến các cơ sở đào tạo “đặt cọc”, có chế độ lương cao và nhiều ưu đãi khác, nhưng vẫn trống xưởng. Tuy nhiên, các trường nghề cũng hiểu rằng người mà các DN cần là công nhân kỹ thuật cao. Do đó họ phải đổi mới toàn diện để đáp ứng nhu cầu xã hội, thậm chí chuyển hướng đào tạo theo đơn đặt hàng của DN.

Chưa hết, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TPHCM, từ năm học này, ngoài việc tiếp nhận những học sinh thi rớt ĐH - CĐ, các trường nghề còn mở rộng cửa đón các em rớt tốt nghiệp phổ thông hoặc chỉ mới học hết trung học cơ sở (lớp 9), với những quy định khá “cởi mở” nhằm khuyến khích các em chọn lối đi vào nghề. Sau khi học xong chương trình nghề (với thời gian chỉ 2 hoặc 3 năm tùy trường), các em ra trường có thể có việc làm ngay, lại còn được học liên thông lên đại học nếu muốn. Vậy là vẫn có thể tiếp tục “giấc mơ đại học” với thời gian ngắn hơn, hiệu quả hơn con đường mà 250 ngàn em đã chọn, bởi ngoài tấm bằng ĐH theo con đường liên thông, các em còn có tay nghề giỏi – một vốn rất quý trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Như vậy, “luồng lạch” đã được phân định rất rõ, được gợi ý rất cụ thể cho học sinh và các bậc cha mẹ ngay từ hết THCS. Những năm gần đây, ngành giáo dục cả nước cũng như TPHCM đã cố gắng “nạo vét, khơi thông”, và chính các trường nghề cũng tự nâng cấp lên một diện mạo mới. Nhưng tại sao “thuyền” vẫn chưa chịu vào? Nguyên nhân chính có lẽ ở tâm lý phổ biến của các tầng lớp xã hội, mà chủ yếu là do các bậc làm cha làm mẹ, lâu nay vẫn chỉ muốn con mình có bằng đại học chứ không coi trọng tay nghề. Đã đến lúc xã hội – mà trước hết là các bậc phụ huynh – cần thay đổi nhận thức để giúp các em tìm được lối đi vào đời đúng đắn, phù hợp và hiệu quả.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục