Trong năm 2020, khối lượng gạo nhập khẩu vào Anh đã tăng thêm 13,5%, từ 671.601 tấn (năm 2019) lên 762.526 tấn. Trong đó, gạo nhập từ Việt Nam tăng từ 1.296 tấn (trị giá 1,295 triệu USD) lên 3.396 tấn (trị giá 2,67 triệu USD) trong cùng thời gian. Như vậy, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh năm 2020 đã tăng ngoạn mục 116% về lượng và 106% về trị giá so với năm 2019.
Nhưng đến năm 2021, khối lượng gạo nhập khẩu vào Anh đột nhiên giảm 15% từ 762.526 tấn (2020) xuống còn 651.803 tấn. Trị giá tương ứng giảm 8% từ khoảng 520,6 triệu USD xuống 574,7 triệu USD (ICT Statistic).
Nguồn cung từ Đông Nam Á có hiện tượng giảm rất mạnh. Cụ thể, gạo từ Thái Lan giảm 43%, Myanmar giảm 63%, Campuchia giảm 51%.
Số lượng gạo nhập từ Việt Nam giảm 20%, từ 3.396 tấn xuống còn 2.731 tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu gạo năm 2021 đạt 2,764 triệu USD, tăng 4% so năm 2020 nhờ đơn giá tăng.
Trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu gạo sang Anh, Việt Nam có đơn giá bình quân cao nhất (1.012 USD/tấn), trong khi đơn giá bình quân gạo Thái Lan, Campuchia và Myanmar lần lượt là 999, 991 và 502 USD/tấn.
Ngược lại với nguồn cung sụt giảm từ Đông Nam Á, có bốn nước tăng cường xuất khẩu gạo sang Anh trong năm 2021 gồm Hà Lan tăng 22.396 tấn, tương đương tăng 67% (đơn giá 696 USD/tấn), Argentina tăng 5.194 tấn, tương đương 68% (đơn giá 569 USD/tấn), Ấn Độ tăng 2% và Pakistan tăng 1%.
Người tiêu dùng gạo ở Anh chủ yếu là cộng đồng gốc Á, trong đó đông nhất nhì là cộng đồng người Ấn Độ và Pakistan. Nhờ đó, thị phần gạo Ấn Độ và Pakistan chiếm tỷ trọng cao đến 27% và 20%. Loại gạo được sử dụng nhiều nhất ở Anh hiện nay là gạo Bastima.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường đưa ra khuyến nghị: Việt Nam đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần chỉ có 0,42%. Dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn có thể mở rộng nhờ cộng đồng gốc Việt Nam 100.000 người và nhờ quy chế hạn ngạch thuế quan trong UKVFTA.
Tuy nhiên, để biến tiềm năng này thành hiện thực thì người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần áp dụng triệt để trên diện rộng Global GAP, đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạo thơm chất lượng cao.
Cục trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo trước khi xuất khẩu.