Lương y Nguyễn Đình Phúc: “Bán thuốc rẻ cũng là làm từ thiện”

Lương y Nguyễn Đình Phúc: “Bán thuốc rẻ cũng là làm từ thiện”

“Ngày 30 Tết năm đó, đang ngồi ăn bữa cơm cuối cùng trong năm cũ, dượng tôi đã dạy tôi một bài học. Nước mắt tôi hòa lẫn trong chén cơm ngày Tết xa quê ở nhờ nhà dượng. Bài học về “thế sự cuộc đời” ấy giúp tôi lớn lên, trưởng thành từ đó...”. Lương y Nguyễn Đình Phúc – chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc y học cổ truyền Đại Hồng Phúc - bắt đầu câu chuyện kinh doanh như vậy.

  • Vươn lên từ bài học cuộc đời
Lương y Nguyễn Đình Phúc: “Bán thuốc rẻ cũng là làm từ thiện” ảnh 1

Năm 1981, từ miền biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Nguyễn Đình Phúc lúc ấy vừa tròn 20 tuổi, rời quê vào Sài Gòn. Thời đó chưa “mở cửa” nên đi xin việc làm rất khó, cuối cùng anh cũng xin được vào làm cho một công ty tư nhân ở Thủ Đức. Đến năm 1983, do quá khó khăn, công ty giải thể, anh trở thành kẻ thất nghiệp. Trên chiếc xe đạp cà tàng, anh rảo khắp nẻo đường để xin việc nhưng không được, đành về Phú Nhuận sống nhờ nhà bà cô.

“Tôi giống như một phụ nữ, làm tất cả công việc gia đình, từ lau nhà, nấu cơm đến giặt giũ…”. Thời gian này anh suy nghĩ nhiều, ai lớn lên cũng phải có gia đình, nhà cửa, nhất là đàn ông, nên anh đánh liều mượn cô dượng mấy chỉ vàng đi buôn trầm. Chuyến thứ nhất thành công, chuyến thứ hai trót lọt, chuyến thứ ba thì bị bắt, trầm bị tịch thu, chỉ còn độc mỗi bộ đồ mặc trên người. Hết tiền bạc, anh xin quá giang xe từ Phú Yên (nơi bị bắt) về Sài Gòn.

 Ngày 30 Tết, khi đang ngồi ăn cơm, dượng anh hỏi: “Năm nay tổng kết lại làm ăn ra sao con?”. “Tôi vừa khóc, vừa kể thật với dượng về chuyện bị bắt và vốn liếng mất sạch. Dượng giận thiếu điều muốn ném chén cơm. Lúc đó tôi 23 tuổi” – anh bùi ngùi kể lại. “Tôi biết dượng tôi không ghét bỏ mà muốn dạy tôi: “Cuộc đời này không đơn giản như mày nghĩ đâu, khó khăn lắm con à”. Sau biến cố đó, tôi nghĩ, cho dù mình có nợ nần đi chăng nữa thì cũng phải sống cho tốt”, anh tâm sự.

Anh tự hứa với lòng không buôn bán hàng quốc cấm như vậy nữa. Rồi anh lao vào phụ cô dượng mua bán dược liệu thô. Anh giúp cô, dượng chạy hàng, giao hàng. Năm 1986, đất nước bắt đầu mở cửa, anh bèn bàn với cô mở một cửa hàng nhỏ. Hai cô cháu chạy mượn được 2 cây vàng, là cả một gia tài lúc ấy. Có cửa hàng rồi, anh chạy đôn chạy đáo khắp các tỉnh, thành để thu mua dược liệu về bán lại cho các công ty xuất khẩu qua Hồng Công.

Năm 1991, anh tách ra không làm chung với cô, rồi dồn hết công sức, vốn liếng bao năm tích góp để mở tiệm lớn hơn. Anh tiếp tục bán sỉ cho cho chính những chủ tiệm thuốc ở quận 5 và nhiều tỉnh ở ĐBSCL, anh lại thành công.

  • Đi học để trở thành lương y

Đến năm 1994, anh nghĩ, tại sao mình cứ mua đi bán lại dược liệu thô hoài mà không làm một việc gì đó ý nghĩa hơn. Thế là anh bắt đầu nghiên cứu sản xuất thuốc thành phẩm. Hơn 10 năm mua bán dược liệu, cộng với tính ham học hỏi về tác dụng của các loại dược liệu qua nhiều lương y và qua sách vở, anh đã lĩnh hội kiến thức nhất định về dược liệu, nhưng muốn sản xuất thuốc đòi hỏi phải có bằng cấp về bào chế mới được cấp phép. Anh quyết định bỏ ra 4 năm học bào chế đông dược tại Viện Y dược học dân tộc để lấy giấy chứng nhận “Lương y thừa kế”.

Cuối năm 1997, anh bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất. Lúc này, với tiềm năng đủ mạnh, anh liên doanh với Công ty Dược liệu Trung ương 2 với tư cách là một xưởng chuyên nghiên cứu, sản xuất thuốc y học cổ truyền. Theo anh, người ta thành công chỉ cần một ý tưởng chứ không cần nhiều và phải biết biến ý tưởng thành hiện thực. Còn trong quá trình làm thì sẽ điều chỉnh, sửa đổi để hoàn thiện hơn.

Làm được 2 năm, anh xin tách ra khỏi Công ty Dược liệu Trung ương 2, dồn hết tâm lực vào sản xuất và tạo thương hiệu. Sản phẩm đầu tiên anh nghiên cứu sản xuất là thuốc trị tăng huyết áp. Năm 2001, trong chương trình “Doanh nghiệp và người tiêu dùng” của Đài Truyền hình Bình Dương, người ta biết đến sản phẩm của anh rồi mua dùng thấy hiệu quả, khách tìm mua nhiều hơn.

Hiện nay, anh sản xuất 4 sản phẩm chủ lực: Tư âm bổ thận hoàn (điều trị bệnh tăng huyết áp), thông huyết điều kinh (điều trị táo bón, điều kinh, giảm mụn), song tứ bổ khí huyết (bài thuốc bổ) và trà bạch liên thảo (thanh nhiệt, giải độc, giải rượu bia…), sắp tới sẽ sản xuất thuốc trị bệnh tiểu đường. Các sản phẩm này nhận được nhiều bằng khen như: Huy chương vàng của Bộ Công nghiệp; thương hiệu có uy tín – Hội chợ Quốc tế thương hiệu có uy tín với người tiêu dùng; bằng khen của Bộ Y tế.

“Làm từ thiện có nhiều cách, bán thuốc với giá thành phù hợp với người nghèo cũng là một cách làm từ thiện. Làm nghề – nhất là nghề y, tôi nghĩ trước hết phải có tấm lòng với người bệnh”, anh tâm sự. Anh cho rằng, muốn thuốc có giá thành rẻ mà vẫn giữ chất lượng, phải có quy trình sản xuất khép kín: mua tận gốc, bán tận ngọn (dược liệu + nghiên cứu bào chế + máy móc hiện đại = sản phẩm).

Hiện nay, anh có một xưởng sản xuất quy mô với hơn 50 công nhân, một cửa hàng bán sản phẩm ở quận 5, đang áp dụng ISO 9001-2000. Dự kiến trong năm 2007, anh tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn GMP – WHO (thực hành sản xuất thuốc tốt theo tiêu chuẩn quốc tế) để xuất khẩu. Anh trăn trở: “Tôi đang cố gắng tìm tòi để tạo ra những sản phẩm y học dân tộc mà thế giới có nhu cầu. Cái khó nhất hiện nay là làm sao để sản phẩm đông dược của nước ta bán được ra thế giới”.

NGUYỄN TẤN VIỆT

Tin cùng chuyên mục