Luyện vàng cho tương lai

VIỆT QUANG

Ngoài thành tích lịch sử của cử tạ Việt Nam vừa giành được 3 suất chính thức dự Olympic, nhưng tình hình các môn thể thao khác vẫn đang khá chông chênh, khó bảo đảm chỉ tiêu về số lượng vận động viên (VĐV) cũng như số môn dự Olympic 2016, mặc dù Thể thao Việt Nam (TTVN) vừa có một kỳ SEA Games thành công.

Đây không phải là điều mới xảy ra đối với TTVN, khi chúng ta đặt chỉ tiêu thấp thì lại thường vượt, chỉ tiêu cao một chút thì cứ phải hồi hộp đếm từng suất một. Chưa hết, khi bước vào thi đấu, thành tích cũng thường gây thất vọng, kém hơn cả khi luyện tập. Cho đến nay, những thành tích xuất sắc nhất của TTVN tại Olympic (2 HCB) hay Asiad đạt được đều đến trong hoàn cảnh tương đối bất ngờ.

Đây là câu chuyện dài về công tác đầu tư chiến lược của TTVN. Thói quen chung là đợi đến khi có thành tích rồi mới tập trung đầu tư, trong khi trong thể thao đỉnh cao, mọi thành tích trong tương lai đều có thể tính toán, dự liệu được bằng một quá trình dài đào tạo, thi đấu được lên kế hoạch một cách khoa học. Lấy ví dụ như môn bơi lội, Nguyễn Thị Ánh Viên liên tục phát triển thành tích vì mới 14-15 tuổi cô đã là nhà vô địch quốc gia, nên sau khi được đầu tư tập huấn dài hạn ở Mỹ, tài năng của cô được phát triển nhanh và bền vững.

Ngược lại, cũng là hiện tượng như Ánh Viên nhưng Hoàng Quý Phước càng được đưa đi tập huấn thành tích lại có vẻ như lại thụt lùi, bởi các kế hoạch đầu tư không bài bản, có sự lệch lạc giữa quá trình đào tạo tại địa phương trước đó và phần áp dụng công nghệ sau này. Ở các môn khác cũng thế. Nhiều VĐV sau khi tỏa sáng ở đấu trường SEA Games, mọi người mới phát hiện họ đã làm điều đó ở một môi trường rất đơn sơ, lạc hậu trong quá trình tập luyện.

Ở đây, sự tỏa sáng ấy mang tính thời điểm, xuất phát từ nỗ lực của cá nhân VĐV cộng với chút may mắn chứ chưa hẳn là một quá trình đào tạo có quy chuẩn từ bé. Trường hợp của Phan Thị Hà Thanh ở môn TDDC, đến hơn 20 tuổi mới tạo được thành tích là ví dụ, bởi ở môn này thường thì 17-18 tuổi đã đạt đến đỉnh cao.

Việc tạo ra các giải đấu lứa tuổi trong thể thao chính là nền tảng cho việc đào tạo VĐV, vì vậy công tác phát hiện, đầu tư phải bắt đầu từ các giải đấu trẻ chứ không thể đợi đến khi tỏa sáng mới vội vã đưa đi tập huấn hay nhồi phương pháp huấn luyện mới. Trường hợp của “tiểu Ánh Viên” Nguyễn Diệp Phương Trâm chẳng hạn, lẽ ra gia đình của VĐV này và ngành thể thao TPHCM phải nhanh chóng tìm được sự đồng thuận, định hướng đầu tư thay vì tranh cãi chi phí đền bù đào tạo. Nếu không bắt đầu từ bây giờ, chưa chắc vài năm nữa Phương Trâm đã còn duy trì được thành tích như hiện nay. Điểm yếu của TTVN từ trước đến nay nằm ở chiến lược đầu tư dài hạn VĐV. Các khâu kiểm tra tố chất, thể hình, công tác phát hiện tài năng từ cơ sở vốn ít được chú trọng. Hệ thống thi đấu các giải trẻ thì manh mún, thiếu chất lượng, các VĐV trẻ luôn phải tập luyện trong môi trường thiếu đồng bộ, lạc hậu.

Sự thành công của lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HA.GL là bài học lớn. Những tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… liệu có phát triển khi sang Nhật Bản, Hàn Quốc thi đấu hay không thì chưa biết, nhưng nếu không được tuyển lựa bài bản, đào tạo một cách đồng bộ bằng các phương pháp hiện đại ngay từ 10-11 tuổi thì chắc chắn họ không đủ tự tin về năng lực cũng như trình độ văn hóa khi ra nước ngoài ở tuổi 20. Nói cách khác, nhờ nền tảng đào tạo 7 năm chỉ “ăn và học” đó, họ mới có thể tích lũy được thêm kinh nghiệm, phát huy được tài năng trong môi trường hiện đại, đẳng cấp cao hơn. Đây là điều mà trước nay các cầu thủ khác không thể làm được chỉ vì phần nền tảng đào tạo quá lạc hậu so với thế giới.

TTVN nhiều năm qua đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ khi rất nhiều tài năng bước lên đỉnh cao ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Chính vì thế, những nhà hoạch định chiến lược cần phải quyết liệt hơn trong đầu tư cho công tác đào tạo để không còn cảnh hồi hộp đếm số lượng suất dự Olympic như hiện nay.


VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục