Tôi biết Lý Chánh Trung từ những năm sinh sống và học tập bên Pháp của thập niên 1950. Ngoài những người yêu nước hoạt động bí mật, cũng có một số người Việt Nam Công giáo có cảm tình với cách mạng ở trong nước.
Giáo sư Lý Chánh Trung
Những năm đó, chúng tôi thấy viết ở trên tường các đường phố Paris dòng chữ tiếng Pháp có nghĩa là “Hòa bình cho Việt Nam”, “Hòa bình tại Việt Nam”… Câu đấy tôi hiểu là do Đảng Cộng sản Pháp chủ trương, trong khi Chính phủ Pháp lúc bấy giờ chia làm ba thế lực, trong đó Đảng Cộng sản Pháp chiếm tới 25% cử tri. Anh em hoạt động trong Công giáo cố gắng làm cho mọi người hiểu không nên duy trì chế độ thuộc địa ở Đông Dương. Lần hồi, phong trào của những người trí thức, lao động chuyển sang chống chiến tranh, trong đó có nhiều người là Công giáo. Tôi ở Pháp, Lý Chánh Trung thì ở Bỉ. Lý Chánh Trung viết nhiều bài viết bằng tiếng Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Tôi ở Pháp phụ trách tờ báo Liên đoàn Công giáo bằng tiếng Việt, cũng đưa những tin tức ủng hộ cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Chúng tôi biết nhau qua những hoạt động ủng hộ cách mạng trong nước như thế.
Đến năm 1953, tôi và Lý Chánh Trung gặp nhau ở Thư viện Trung ương của Pháp, nơi mà Cụ Hồ những năm hoạt động ở Pháp thường lui tới. Lý Chánh Trung lúc đó vừa học xong cử nhân, vào thư viện để tìm tài liệu làm tiến sĩ. Nhưng lúc bấy giờ, chiến tranh ở Việt Nam rất căng thẳng, người dân rất đau khổ, cho nên hai anh em gặp nhau và cùng với những người bạn của tôi, của Lý Chánh Trung và một số người là đàn anh như Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Kinh tế Chính phủ kháng chiến của Cụ Hồ, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Ngọc Bích… Dù không thành một tổ chức rõ ràng nhưng cũng hoạt động chung một mục đích với nhau. Khi nghe phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham gia đàm phán ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôi và nhóm của Lý Chánh Trung sang Thụy Sĩ tìm gặp. Cùng với anh em, chúng tôi ra tờ báo Thống Nhất, do tôi làm chủ bút, trong đó Lý Chánh Trung là cây bút chủ lực, viết sắc sảo hơn cả. Theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cuối năm 1954 Lý Chánh Trung về nước, ở dưới Trà Vinh, tôi thì đầu năm 1955 mới về Sài Gòn.
Về nước, chúng tôi tìm cách móc nối với lực lượng cách mạng hoạt động bí mật như Phạm Ngọc Thảo và một số người nữa. Lý Chánh Trung lập gia đình trước tôi. Đến năm 1962, chúng tôi lập ra tờ báo Sống Đạo. Vì những hoạt động thân cách mạng ở Pháp, nên tôi phải giấu tên, Lý Chánh Trung thì công khai và làm chủ bút, đưa ra nhiều bài viết tuyên truyền chống chiến tranh trong giới Công giáo. Nhiều người Công giáo lúc bấy giờ chống lại chúng tôi, coi chúng tôi là lợi dụng kinh thánh để đấu tranh đòi hòa bình, họ cho như thế là không tốt. Lý Chánh Trung viết rất sắc bén, trong lời lẽ hết sức lô gích, yêu nước, yêu hòa bình, luôn có tinh thần bao dung. Cho nên Lý Chánh Trung ít có người chống đối. Chứng tỏ, Lý Chánh Trung có một nhân cách, thái độ, lập trường rất cương quyết, rõ ràng, minh bạch và trong các bài viết luôn có những lời lẽ bao hàm một tinh thần bao dung, hòa giải, đại đoàn kết.
Sau này, Lý Chánh Trung chuyển từ Trà Vinh lên Sài Gòn làm việc trong Bộ Giáo dục, dần dần lên tới Đổng lý văn phòng, dạy Đại học Văn khoa Sài Gòn chuyên về triết học. Học trò của Lý Chánh Trung rất đông, có nhiều người thành tài, nhiều người tốt chịu ảnh hưởng tư tưởng triết học của Lý Chánh Trung. Lúc bấy giờ, ở Sài Gòn có nhiều tổ chức hoạt động, trong đó có lực lượng Thành đoàn với đa số là sinh viên của Lý Chánh Trung. Trong khi dạy học, Lý Chánh Trung có cách truyền giảng bằng những sự kiện của đời sống một xã hội đau khổ vì chiến tranh, của một lực lượng những người yêu nước phải đứng lên đấu tranh, chịu nhiều hy sinh cho hòa bình. Với cách dạy như thế của Lý Chánh Trung đã tạo một dư luận rất lớn trong quần chúng nhân dân. Thông qua tờ báo Thống Nhất với những bài viết sắc sảo, Lý Chánh Trung trở thành người nổi tiếng trong giới Công giáo và xã hội Sài Gòn những năm 1962 đến 1970.
Những năm sau giải phóng, tôi và Lý Chánh Trung vẫn rất thân với nhau không chỉ trong hoạt động, mà thân nhau cả giữa hai gia đình nữa. Khi Lý Chánh Trung tham gia 3 kỳ Quốc hội, tôi thấy phẩm chất, bản tính làm gì cũng có chính kiến, nói lên tiếng nói của mình được phát huy rất tốt. Do vậy, Lý Chánh Trung có cảm tình với nhiều vị lãnh đạo, trong đó có ông Võ Văn Kiệt. Trong nhiều vấn đề giải quyết của Công giáo, ông Võ Văn Kiệt luôn nói đến sự đóng góp rất hữu ích của Lý Chánh Trung và tôi, cùng một số người khác nữa.
Lý Chánh Trung với tính cách của mình, trong nhiều hoàn cảnh của đất nước sau giải phóng luôn nhìn thẳng vào sự thật, không thể không nói thẳng sự thật để tìm ra giải pháp ổn định xã hội, hòa hợp dân tộc. Sau này, Lý Chánh Trung cũng có nhiều ảnh hưởng trong hoạt động của MTTQ thành phố, tham gia nhiều chương trình nghiên cứu phát triển TPHCM sau những năm đổi mới. Lý Chánh Trung luôn sâu sắc, mạnh mẽ nói lên tiếng nói của người dân và được nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ. Anh là nhà trí thức có tài, có nhiều đóng góp cho đất nước ở nhiều thời kỳ khác nhau và luôn được nhiều thế hệ nói đến với một tình cảm quý mến, trân trọng.
Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
HOÀI NAM (lược ghi)