Má Tư từ thiện

Má Tư từ thiện

Có lẽ khó kiếm được một cán bộ hội, đoàn thể nào cao tuổi như bà Lê Thị Tư, Chủ tịch Hội Người  cao tuổi phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM, bởi nay bà đã 82 tuổi (ảnh). Tuy nhiên, qua cung cách, tác phong quán xuyến công việc từ thiện xã hội đầy năng nổ, nhiệt tình của bà, không ai nghĩ bà đang ở cái tuổi xưa nay hiếm!

Ngay từ những ngày đầu thành lập phường sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (tháng 5-1975) bà Lê Thị Tư, với nghề nghiệp chuyên môn là y tá trưởng của Bệnh viện Nguyễn Văn Học (cũ) – nay là Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đã tham gia hàng ngũ chính quyền với chức danh Trưởng trạm Y tế phường 1, quận Gò Vấp.

Công việc trong những ngày đầu giải phóng ngổn ngang bộn bề, nhưng bà vẫn làm tốt công tác chuyên môn, đưa Trạm Y tế phường 1 trở thành lá cờ đầu của ngành y tế quận những năm đó. Ngoài công việc thường ngày, bà còn tham gia công tác từ thiện, vận động quyên góp cứu giúp 52 hộ nghèo trong phường vươn lên ổn định cuộc sống.

Năm 1991, bà  nghỉ hưu theo chế độ, nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội của phường với các vai trò chủ chốt như: cán bộ chuyên trách dân số, kế hoạch hóa gia đình; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Trợ táng… Từ năm 1995 đến nay, bà là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 1, quận Gò Vấp.

Ngoài công tác chăm lo cho quyền lợi, chế độ của cô bác cao tuổi, bà còn nắm rõ năm tuổi của từng hội viên để kịp thời tổ chức chúc thọ, thăm hỏi lúc ốm đau, bệnh hoạn… Đối với mọi chuyện hiếu hỷ, bà luôn chu đáo, không bỏ sót một ai. Để tạo điều kiện cho các hội viên vui sống tuổi già, bà thường xuyên tổ chức các buổi đi thư giãn, kết hợp với công tác từ thiện. Qua đó, các hội viên cao tuổi có dịp vừa đi du ngoạn, vừa được góp sức trong công việc từ thiện xã hội, chia sẻ với những mảnh đời cơ nhỡ, những địa chỉ còn nhiều khó khăn, bất hạnh.

Với tác phong nhanh nhạy, xốc vác, bản tính thương người, quan hệ rộng, bà Tư đã tổ chức được nhiều chuyến đi vì mục đích nhân đạo xã hội. Hàng năm, dưới danh nghĩa của Hội Người cao tuổi phường, bà tổ chức từ 6 đến 10 chuyến đi cứu trợ. Riêng năm 2011, bà đã tổ chức 8 đợt đi vận động cứu trợ, ủng hộ đồng bào lũ lụt các tỉnh miền Tây, Trung và Bắc bộ với số tiền, quà lên đến 316 triệu đồng. Bà còn tổ chức các chuyến đi cứu trợ tại Trại phong Sóc Trăng, Làng mù Vĩnh Châu; thăm các địa chỉ nuôi dưỡng người già tàn tật, trẻ em mồ côi, khuyết tật các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng. Tổng chi phí vận động tổ chức chuyến đi, quà tặng cho các địa chỉ trên khoảng 136 triệu đồng. Tất cả nguồn kinh phí và hiện vật có được đều do bà tự vận động từ các mối quan hệ cá nhân.

Khi được hỏi về bà, nhiều cô bác lớn tuổi trong phường đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện đầy lòng nhân ái, thương người của bà. Có lần, trong chuyến công tác từ thiện tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bà gặp một gia đình 4 người nhưng 3 người bị lũ cuốn trôi, chỉ còn lại một mình cô con gái đang trong tình trạng suy sụp tinh thần vì nỗi đau mất mát quá lớn. Bà Tư đã vét cạn tiền túi được 3 triệu đồng để tặng riêng người con gái bất hạnh ấy!

Những việc làm đầy tình thương yêu của bà bao năm qua đã được các tổ chức  xã hội, chính quyền, ban ngành đoàn thể từ địa phương đến trung ương ghi nhận qua hơn 200 bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương trao tặng bà. Nhiều vị lãnh đạo địa phương khi nhắc đến bà, họ đều gọi bằng cái tên trìu mến, trân trọng: “Má Tư từ thiện”.

Đặng Chí Lợi

Tin cùng chuyên mục