Mai Phương: Hòa mình khúc tráng ca thợ mỏ

Tròn 80 tuổi đời và hơn nửa thế kỷ hòa mình trong nhịp sống người thợ mỏ Quảng Ninh để viết, nhà văn Mai Phương (ảnh) - anh bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc rồi gắn bó mãi với vùng than, đã dựng nên những tác phẩm chân thực và xúc động, là trường hợp độc đáo hiếm có...
Mai Phương: Hòa mình khúc tráng ca thợ mỏ

Tròn 80 tuổi đời và hơn nửa thế kỷ hòa mình trong nhịp sống người thợ mỏ Quảng Ninh để viết, nhà văn Mai Phương (ảnh) - anh bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc rồi gắn bó mãi với vùng than, đã dựng nên những tác phẩm chân thực và xúc động, là trường hợp độc đáo hiếm có...

Gần đây, nhà văn Mai Phương được chú ý bởi hai tập truyện ký Người cao hơn núi (2006) và Mai Phương ký và truyện (2012). Ngoài ra, ông còn là tác giả 4 tập thơ đã xuất bản: Sắc hoa vàng, Đi trong cõi người, Trái tim nhân ái, Bài thơ tặng vợ. Cuối năm 2011, Mai Phương nhận giải A cho chùm bút ký Ở nơi hòn than lấp lánh sắc màu, Mông Dương chiều sâu lòng người, Cọc Sáu - khúc tráng ca thợ mỏ của cuộc vận động sáng tác văn học về ngành than - khoáng sản.

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập ngành than (12-11-1936 - 2012), hội thảo “Nhà văn Mai Phương với văn học về thợ mỏ và Quảng Ninh” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam vừa được tổ chức tại thành phố Hạ Long.

Nhà văn Mai Phương tên thật Lê Viết Thuận, sinh năm 1933 ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tham gia bộ đội kháng chiến chống Pháp, sau Hiệp định Geneva 1954, ông tập kết ra Bắc và chuyển ngành ra công tác ở vùng mỏ Quảng Ninh năm 1958, sau đó làm báo, viết văn chuyên nghiệp cho tới nay.

Đối với giới cầm bút vùng mỏ và phía Bắc, nói đến Mai Phương là mọi người nghĩ đến một hành trình khác thường, chìm nổi ba đào của một đời người đời văn. Và đằng sau sóng gió cuộc đời ấy của ông là một tính cách thẳng thắn, trung thực, hồn nhiên, lạc quan và sống hết mình với người thợ mỏ, với trường văn trận bút như hòn than rắn chắc rực hồng đến tàn tro. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nếu như người thợ mỏ đào sâu lòng đất để tìm những vỉa than cho Tổ quốc thì Mai Phương là người đào sâu vào tâm hồn người thợ mỏ để viết nên những trang văn đậm tính sử thi về vùng than…

Năm 1957, lúc mới bước vào làng văn, Mai Phương gặp nhiều niềm vui. Sau khi Nhà tôi - bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Văn Nghệ, ông đã nhận ngay lời ưu ái của thi sĩ Xuân Diệu: “Mới viết mà được như thế, là khá”, nhưng cũng không quên nhắc nhở đàn em cái khiếm khuyết trong bài thơ: “Oai hùng trong đồ sộ/Của một nếp nhà tranh thì mắc bệnh nói đầy đủ, nói có đầu có đuôi và đại ngôn quá”. Không chỉ Xuân Diệu mà cả Chế Lan Viên cũng chú ý tới cây bút mới Mai Phương, bằng những lời động viên lẫn chỉ dẫn cặn kẽ ưu khuyết trong những lá thư gửi cho đàn em. Sự quan tâm của người đi trước đối với người đi sau trong làng văn như vậy bao giờ cũng hết sức quý báu.

“Ôi cuộc đời! Vui buồn ta nếm hết/Vị ngọt tan rồi/Cay đắng vẫn còn nguyên”

Nhà thơ Mai Phương đã thốt lên như thế khi nhìn lại mình. Cái vị ngọt thời tuổi trẻ ấy rồi cũng đã tan và không phải bao giờ văn chương cũng mang lại cho ông niềm vui mà còn phủ lên bao buồn phiền. Trong số những bạn văn thân thiết ở Quảng Ninh hiện nay, có lẽ người hiểu nhà thơ Mai Phương hơn hết là nhà văn Dương Hướng, tác giả tiểu thuyết Bến không chồng. Theo nhà văn Dương Hướng: “Khắp vùng mỏ, nói tới nhà thơ Mai Phương ai cũng biết, từ ông giám đốc đến anh em thợ lò, đến các chị em nấu bếp. Đi đến đâu nhà thơ cũng được mọi người tiếp đón niềm nở. Tới nay đã ở tuổi 80 nhưng sức lực và tinh thần của nhà thơ thì lớp đàn em chúng tôi cũng không thể theo kịp. Sở dĩ ông viết ký thành công bởi ông gần gũi và thuộc các nhân vật “người thật việc thật” của mình như thể anh em trong nhà”.

Cùng cảm nhận với nhà văn Dương Hướng, nhà thơ Nguyễn Trác cho rằng trước cả tài năng là tấm lòng của Mai Phương đối với vùng đất thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của những người thợ. Tôi chợt nhớ trong một bài viết gần đây của nhà văn Trung Trung Đỉnh về truyện ký Mai Phương có đoạn: “Đọc bút ký Mai Phương gợi cho tôi nhớ lại những dòng cảm xúc tươi rói, những trang văn tươi rói của các nhà văn vùng than thời chiến tranh chống Mỹ”.

Rõ ràng, những trang văn của Mai Phương đã đánh thức trong lòng người đọc hình ảnh của các thế hệ cầm bút nối tiếp nhau ở vùng than. Và người con của duyên hải miền Trung đã trở thành nhân vật hòa mình trong khúc tráng ca người thợ mỏ tận vùng Đông Bắc.

Phan Hoàng

Tin cùng chuyên mục