Tôi có hai người bạn gái, học cùng một trường, một cô Kim Mai, cô kia là Hồng Trinh, tính nết hai cô ngược nhau. Trinh luôn nói cười. Mai thì lặng lẽ. Chỉ giống nhau ở chỗ cả hai đều xinh đẹp và yêu mến tôi.
Chúng tôi có nhiều ước mơ. Hẹn nhau sẽ thực hiện sau khi xong đại học. Nhưng bước vào năm cuối cấp 3 thì mỗi đứa một nơi. Đầu năm học, bố Trinh gọi con đi đóng phim hay làm du lịch gì đó. Giữa năm, mẹ Mai gọi con về đi học ngành dệt. Cuối năm đó, tôi đến tuổi đi bộ đội. Sau ba tháng tập luyện, tôi được điều đi đánh Pôn Pốt ở Campuchia.
Đêm hôm trước ngày tôi rời Hóc Môn, cả hai cô bạn đều đến chia tay, Hồng Trinh đi xe máy đến trước, đèn pha chiếu sáng choang, bóp còi inh ỏi. Réo gọi:
– Thiện đâu? Không ra dìu em xuống xe à?
Má tôi hỏi: “Đứa nào đó”. Tôi cười trả lời: “Bồ của con”. Má tôi ngạc nhiên: “Tao tưởng cái con kia - con nhỏ ít nói, hay đến cuốc vườn giúp má. Nó là con Mai mà”.
– Vâng, Kim Mai. Tôi trả lời qua quýt với má rồi ra đón Trinh.
Vừa ngồi xuống ghế. Trinh mắng tôi như tát nước:
– Anh là ngờ nghệch lắm. Đi lính mà làm gì? Giá mà biết tin sớm, em chạy “lo” cho, là anh yên chí ở nhà học tiếp. Còn tương lai của chúng mình nữa chứ. Sao anh dại dột thế?
Má tôi nghe Trinh nói vậy cũng bùi ngùi:
– Trận mạc gì lại ra đi lúc tết sắp đến?
Thấy má tôi sụt sùi, Trinh bật khóc, kéo tôi ra sau vườn.
Tôi đỡ Trinh ngồi xuống chiếc chõng tre, Trinh khóc nhiều lắm. Tôi chỉ biết dỗ dành Trinh bằng những cái hôn nồng thắm. Cuối cùng Trinh cũng nguôi ngoai, em ôm chặt lấy tôi và nói trong nước mắt:
– Thôi đã lỡ rồi, ngày mai anh cứ đi. Ở nhà em sẽ chờ anh. Nhỡ mai kia anh về, có bị đui què mẻ sứt gì em cũng không bỏ anh…
Nghe Trinh nói vậy, tôi xúc động đến ứa nước mắt. Mãi tới khuya chúng tôi mới rời nhau. Khi xe Trinh đã phóng vút đi, tôi vào nhà thấy má tôi đang loay hoay cắm bó hoa hồng vào bình. Tôi ngạc nhiên hỏi. Má bảo:
– Bông của con Mai đem tới đó. Nó bảo mày rất thích loại bông hồng và bông mai này. Ít nữa nó sẽ trồng cho một gốc trước ngõ nhà mình. Vậy ra mày chưa gặp nó à? Má bảo mày ở sau vườn. Nó chạy ra ngoài ấy lâu lắm mà…
Ra thế. Mai đã ra tìm tôi sau vườn và đã chứng kiến cuộc chia tay của tôi với Trinh. Và Mai lặng lẽ ra về. Đúng tính cách của Mai: nhường nhịn, không xen vào hạnh phúc của người khác. Hôm sau, tôi ra đi và mang nhiều kỷ niệm của cả hai người bạn gái.
***
Cuộc chiến đấu của chúng tôi ở vùng Pai-Lin rất quyết liệt để bảo vệ mỏ ngọc quý của nhân dân Campuchia. Nhiều bạn tôi đã ngã xuống. Trong một trận đẩy lùi cuộc tấn công của địch, tôi bị gãy một chân, dập hai tay và mù một mắt. Suốt thời gian ở mặt trận, thỉnh thoảng tôi nhận được thư của Trinh. Hoàn cảnh ở xa Tổ quốc, thông tin chậm chạp khó khăn. Những lá thư Trinh đã làm cho tôi mãn nguyện.
Thư Trinh viết rất dài, kể nhiều chuyện đổi mới ở Sài Gòn và nhắc lại những lời đêm chia tay, mong ngóng ngày tôi trở về. Bạn bè trong tiểu đội rất quý những bức thư đó và họ đọc đến thuộc lòng. Có người còn làm cả thơ ca ngợi mối tình chung thủy Trinh dành cho tôi. Có điều tôi rất ngạc nhiên là Trinh làm hải sản, hải quan hay buôn bán gì đó mà giàu có rất nhanh? Nghe nói em đã xây nhà lầu và mua sẵn để dành cho tôi một chiếc “cúp” láng coóng. Chuyện tôi bị thương bạn bè giấu mãi rồi cũng lộ. Tin đó đã đến tai Trinh và Mai. Trinh đã gởi ngay cho tôi một lá thư dài, vừa trách móc vừa xót đau khi biết tôi mất một mắt và gãy nát chân, tay. Em lại hứa như đêm chia tay là vẫn đợi chờ tôi. Còn Mai - theo thư má tôi kể: Khi biết tin tôi bị thương, Mai đến ôm má và nói: “Con đã tình nguyện xin đi chiến đấu ở Campuchia. Qua bên đó con sẽ đi tìm để chăm sóc anh Thiện”.
Trở thành thương binh nặng, tôi được chuyển về điều trị trong nước. Một năm sau, vết thương ổn định, tôi được vào trại thương binh Phước Bình. Mặc dầu đã vượt qua được què quặt nhưng hai tay tôi cong quèo, dị dạng. Không lắp được mắt giả, con mắt phải của tôi bị lõm vào sâu hoắm. Chân thì bước khập khiễng. Ở trại, tôi được chế độ ưu đãi có người nuôi riêng. Nhưng tôi muốn về nhà với má nên cố sức luyện tập. Khi chân tay đã đỡ lóng ngóng, tôi lao vào học nghề thợ mộc. Tôi nghĩ, phải học lấy một nghề để kiếm sống rồi xin về, vừa đỡ cho nhà nước khỏi phải nuôi, lại còn giúp đỡ được mẹ già. Còn chuyện yêu đương lãng mạn của tôi thì đã lùi vào quá khứ. Trinh đã hốt hoảng khi gặp lại tôi ở bệnh viện và sau đó em lảng dần. Nghe đâu một năm sau khi gặp nhau, Trinh đã lấy một anh chàng “xuất nhập” gì đó và hiện đang ở nước ngoài với chồng. Tôi đã nghĩ đến Mai, nhưng em cũng đang phục vụ ở ngoài nước chưa về. Mà Mai có về thì cũng chỉ là bạn. Tôi chẳng mong đợi gì khi nghĩ đến thân thể mình.
Thời gian vùn vụt trôi qua. Một năm sau đó tôi trở thành người thợ mộc thực thụ. Cả trại thương binh Phước Bình đón má tôi lên mừng cho bà cụ và liên hoan tiễn tôi về ở với gia đình. Tôi nhớ buổi sáng 30 Tết năm ấy, ngôi trên xe lam với má trở về Hóc Môn quê tôi. Ngược chiều với xe tôi là hàng trăm xe các loại chở cả rừng mai ra chợ hoa ngày tết. Tôi nói với má: “Nhà mình cũng phải mua một cành mai nghe má”. “Ừ, mua. Nhưng phải chờ đến mười giờ đêm nay ra mua, mới rẻ”. Suốt cả buổi sáng bà con lối xóm đến thăm. Ai cũng thương, cũng quý và ái ngại cho tôi. Nghe lỏm họ thì thầm với nhau: “Hòn đạn mũi tên ác độc quá! Thằng Thiện nhà bác Hai trước kia đẹp trai là thế mà bây giờ…”, “Con bồ giàu thế, cũng bỏ chạy mất tiêu rồi”… Thật tan nát ruột gan. Xế chiều, buồn quá tôi xách hòm đồ nghề thợ mộc ra trổ tài với má. Nhà có bao nhiêu chân ghế, chân bàn khập khiễng què quặt, tôi đục đẽo, cưa cắt, chắp vá cho lành lặn hết. Mặt trời sắp lặn, má tôi mua được nếp, gà đem về, bà đứng sững nhìn mớ thành phẩm đồ gỗ ngổn ngang giữa sân, mỉm cười sung sướng:
– Mồ tổ cái thằng! Vậy là bây kiếm được nghề nuôi má rồi đó nghen!
Tôi vô cùng sung sướng với niềm vui bé nhỏ của má. Nhưng ngay lúc đó, có một niềm vui lớn hơn ập đến với tôi. Thoạt tiên con mực sủa vang. Tôi bất chợt nhìn ra ngõ, bỗng thấy một cành mai lớn, nở vàng rực rỡ đang di động trên bờ rào ô-rô nhà tôi. Rồi cành mai trùm kín cả ngõ. Cành mai vụt chạy tới phía tôi với tiếng kêu tha thiết:
– Anh Thiện!…
Mai! Tôi cũng kêu lên. Cái bào rời khỏi tay, tôi chới với nắm được một bàn tay mát rượi, rối rít hỏi:
– Mai! Em về bao giờ. Em từ đâu về…
Mai bật khóc. Khóc như trẻ con. Tôi đứng ngây người ra đấy. Má tôi đỡ lấy cành mai và bà cũng sụt sùi:
– Vào nhà đã, các con…
***
Chuyện tình của chúng tôi chỉ đơn giản có thế. Hiện nay Kim Mai làm thợ dệt. Còn tôi thợ mộc. Chúng tôi đã có hai con. Cháu trai là Ngọc Quý, cháu gái là Phai Lin. Anh muốn hỏi về giống mai vàng ấy à! Đó là một loài hoa chung thủy với mùa xuân. Bây giờ thì tôi không chỉ mơ ước một cành, mà Kim Mai đã trồng hẳn một cây. Từ năm ngoái, trước ngõ nhà tôi mai đã nở vàng. Nếu anh thích, tết này mời anh đến chơi, vợ chồng tôi xin biếu anh một cành đẹp nhất.
Truyện ngắn Trần Công Tấn