Đồng muối Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có từ bao giờ, hẳn không còn nhiều người nhớ. Thế mà bây giờ, những con người nhiều đời gắn bó với hạt muối đó, lại không thể tin rằng có lúc phải bỏ đi cái nghề của cha ông để lại...
Bỏ muối đi làm thuê
Trời vào hè, nắng nóng như đổ lửa. Đứng trên đường, gió từ đồng muối mang theo vị mặn mòi của nước biển, thổi ràn rạt vào mặt khiến không khí thêm ngột ngạt. Dù vào chính vụ, thế nhưng trên những đồng muối chỉ có lưa thưa vài ba người. Thấy tôi đưa máy lên chụp lấy vài bức hình, một ông cụ đang làm gần đó hỏi giật lại: “Năm nào, ngày nào cũng có người về đây chụp ảnh, hỏi han này nọ để viết báo, nhưng rồi thông tin có đến được cơ quan chức năng không mà người làm muối như chúng tôi sắp phải bỏ nghề rồi đây. Muối từ năm trước còn cả đống kia kìa”. Nói rồi lão ông chỉ tay về những đống muối từ năm trước được người dân che đậy kỹ, chờ giá cao để bán, nhưng chờ mãi… chờ mãi.
Đang chính vụ nhưng trên những đồng muối thưa vắng bóng diêm dân
Lão ông là Nguyễn Hiến, năm nay 66 tuổi, hơn nửa thế kỷ vui buồn với nghề muối. Cả đời gắn bó với nghề muối nhưng nghề này chưa bao giờ đem lại cuộc sống sung túc cho gia đình ông, thế nhưng vì đã trải qua 2-3 thế hệ nên dù khổ cực thế nào ông vẫn bám lấy. “Muối thì mặn chứ có bao giờ ngọt đâu”, câu nói đùa của ông nhưng khiến tôi thấy chạnh lòng, bởi để làm ra được hạt muối và việc tiêu thụ không phải chuyện đơn giản.
Ở đồng muối Sa Huỳnh, từ 2 năm trở lại đây đã chứng kiến nhiều người, nhiều gia đình bỏ muối để theo nghề khác. Như ông Phùng Đình Chánh, năm nay 70 tuổi, gắn bó một đời diêm dân nhưng đến nay phải bỏ nghề vì giá muối quá rẻ. “Làm ra một bao muối 50kg, bán được 30.000 đồng, trừ phí hết 27.000 đồng, vậy lấy chi mà ăn, đành phải bỏ nghề này thôi!”, ông Chánh than.
Có còn thương hiệu muối Sa Huỳnh?
Sa Huỳnh là một trong 3 vùng sản xuất muối lớn nhất Việt Nam. Cánh đồng muối ở đây có diện tích 120ha. Hàng năm, từ cánh đồng muối Sa Huỳnh đã có hàng trăm ngàn tấn muối chất lượng tốt được chở đi tiêu thụ khắp các vùng miền trong cả nước. Đánh giá cao chất lượng muối Sa Huỳnh, năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Muối Sa Huỳnh” cho các thành viên ở hai hợp tác xã (HTX), đó là HTX muối 1 và HTX muối 2. Và cách đồng muối không xa, có một nhà máy chế biến muối được xây dựng, nhưng nay đã đóng cửa im lìm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính từ đầu vụ muối năm 2016 đến nay, đã có hơn 120 hộ bỏ nghề, 30ha diện tích ruộng muối bỏ hoang. Mới đây, để cứu vãn nghề muối nổi tiếng một thời, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi lập dự án quy hoạch vùng muối Sa Huỳnh, giai đoạn 2016-2025, để lập quỹ đất sản xuất muối, phát triển làng nghề và tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, hứa hẹn: “Sau khi quy hoạch chi tiết vùng sản xuất muối và phát triển các làng nghề thì chất lượng muối sẽ đảm bảo, người làm muối cũng sẽ có thu nhập khá hơn”.
Người làm muối và giá muối có khá lên được hay không, đó là chuyện của tương lai. Còn bây giờ, chỉ nhìn vào những đồng muối, cùng nhà máy muối bị bỏ hoang, cũng đủ khiến nhiều người tiếc rẻ về thương hiệu “Muối Sa Huỳnh” vang bóng một thời.
NGUYỄN ĐẮC THÀNH