Xâm nhập mặn đã “tấn công” nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, khiến các nhà máy cung cấp nước sạch cho khu vực TPHCM phải ngưng hoạt động trong nhiều thời điểm. Liên tục trong tuần qua, nguồn nước vào nhà máy nhiều lần nồng độ mặn vượt ngưỡng 250mg/lít! Phải làm sao để đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho dân? Đây là nội dung Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đặt vấn đề tại buổi làm việc với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các sở ngành liên quan vào chiều 18-3.
Trạm bơm ngưng hoạt động
Báo cáo của Sawaco cho thấy, nguồn nước thô từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn bị mặn xâm ngập ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, chỉ tiêu hữu cơ, ammonia đã vượt quy chuẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố. Do vậy, nhiều thời điểm các nhà máy cấp nước phải ngừng lấy nước thô do độ mặn vượt mức cho phép.
Kiểm tra độ mặn nước sông Sài Gòn tại Nhà máy nước Tân Hiệp (Ảnh: CAO THĂNG)
Cụ thể, trong các ngày từ 12 đến 16-3, độ mặn trên sông Sài Gòn, tại khu vực lấy nước thô của trạm bơm Hòa Phú (cung cấp nước thô cho Nhà máy Tân Hiệp - công suất 300.000m³/ngày) nhiều thời điểm vượt ngưỡng 250mg/lít (tiêu chuẩn của Bộ Y tế) khiến trạm bơm ngưng hoạt động trong nhiều giờ. Đây là đợt thứ 3 trạm bơm Hòa Phú phải ngưng bơm trong nhiều giờ liên tục do độ mặn trên sông quá cao kể từ Tết Nguyên đán, đồng thời cũng là giai đoạn trạm bơm này tạm ngưng hoạt động nhiều nhất kể từ năm 2005 đến nay.
Theo kết quả khảo sát do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thực hiện, độ mặn giữa tháng 2 trên hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai đo được tăng so với cuối tháng trước. Nước lấy từ hai sông này nhiều thời điểm không còn đáp ứng được theo quy chuẩn một số chỉ tiêu (độ mặn vượt quá 250mg/lít).
Số liệu từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TPHCM cũng chỉ ra, độ mặn đo được tại huyện Nhà Bè tăng 30% - 40% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 80% so với nhiều năm gần đây. Nguyên nhân xâm nhập mặn, ông Phạm Thế Vinh, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho rằng hạn mặn diễn ra mạnh vì El Nino kéo dài, khiến khu vực Nam bộ rất ít mưa. Ngoài ra, việc triều cường kéo dài đến tháng 2 và 3, khiến nước mặn đi sâu vào các cửa sông. Hạn kéo dài khiến độ mặn ít được phân tán. Thêm vào đó, mực nước tại các hồ chứa nay đã xuống thấp, khả năng cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cũng hạn chế.
Xây hồ dự trữ nước
Để ứng phó tình trạng mặn xâm nhập, Sawaco cho biết sẽ giám sát chặt chẽ, theo dõi liên tục độ mặn và các chỉ tiêu khác để cảnh báo sớm mặn xâm nhập cũng như lên kế hoạch cấp nước; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hồ đầu nguồn (như hồ Trị An, Dầu Tiếng) xả nước đẩy mặn; điều phối các nhà máy nước và mạng cấp nước hợp lý để đảm bảo cung cấp nước cho người dân sử dụng (tăng sản lượng nước tại các nhà máy không bị ảnh hưởng mặn và điều phối mạng lưới tiếp nhận nguồn nước). Ngoài ra, Sawaco chuẩn bị sẵn các biện pháp cấp nước trong điều kiện khẩn cấp như xe bồn, cấp nước qua một số giếng lẻ…
Đưa nước sông Sài Gòn vào Nhà máy nước Tân Hiệp ngày 18-3 (Ảnh: Cao Thăng)
Tuy nhiên, về lâu dài, Sawaco kiến nghị thành phố đầu tư xây dựng hồ dự trữ nước thô để chủ động trong khai thác nước sông, đảm bảo cung cấp nước thô liên tục cho các nhà máy khi nguồn nước bị mặn xâm nhập. Từ nay đến năm 2017, triển khai ngay một hồ dự trữ nước thô có dung tích tối thiểu 1,3 triệu m³ đến 4 triệu m³, với diện tích từ 23 - 68ha nhằm đảm bảo cấp nước cho các nhà máy hoạt động từ 1 đến 3 ngày nếu nước sông Sài Gòn bị mặn xâm nhập, xây thêm bể chứa 100.000m³ cho Nhà máy nước Thủ Đức và các bể chứa cho các nhà máy khác.
Sawaco đề xuất UBND TP điều chỉnh quy hoạch hệ thống cấp nước trên địa bàn TP cho phù hợp với yêu cầu mới, trong đó xây dựng các bể chứa phân phối quy mô lớn trên mạng lưới cấp nước (các bể chứa ngầm ở dưới các công viên trên cơ sở đề xuất của JICA, Nhật Bản), nhằm nâng cao năng lực phân phối nước, đảm bảo cấp nước trong tình huống mặn xâm nhập kéo dài. Cụ thể, bể chứa và trạm bơm sẽ được bố trí tại các địa điểm: Công viên Gia Định, Công viên văn hóa Gò Vấp, Thảo Cầm viên, đường Nguyễn Văn Linh, khuôn viên Nhà máy nước ngầm Tân Phú, Công viên Phú Lâm; kết hợp với việc khôi phục lại các giếng nước ngầm. Như vậy mới đảm bảo cấp nước trong trường hợp xảy ra sự cố gián đoạn trên diện rộng vì lý do bất khả kháng.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa nhấn mạnh: Việc cung cấp nước sạch là đặc biệt quan trọng, nhất quyết phải thông suốt và đảm bảo chất lượng nước cho người dân, không chỉ hiện nay mà trong tương lai. Đây là trách nhiệm của Sawaco được UBND TP giao, phải đảm bảo việc cấp nước cho người dân TP, không để xảy ra bất cứ sự cố gì.
Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa yêu cầu Sawaco nghiên cứu giải pháp để cung cấp nước sạch an toàn, tức là phải đảm bảo an ninh nguồn nước. Do nguồn nước hồ Dầu Tiếng không đảm bảo, vì vậy Sawaco phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan chủ động lập dự án đã đề xuất, nếu vướng khâu nào báo cáo ngay UBND TP. Khi triển khai các dự án phải tính toán thật khoa học, dự án nào cấp bách cần làm trước thì giải quyết ngay để đạt hiệu quả.
QUỐC HÙNG