Mang vàng về nước

Theo Financial Times, ngày càng nhiều quốc gia mang vàng về nước để tránh các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra như đối với Nga. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương cũng đẩy mạnh việc mua thêm kim loại quý để ứng phó trước tình hình lạm phát tăng cao.
 Một cửa hàng bán vàng tại Ấn Độ
Một cửa hàng bán vàng tại Ấn Độ

Giữ an toàn

Hơn 85% trong số 85 quỹ đầu tư quốc gia và 57 ngân hàng trung ương tham gia chương trình Nghiên cứu Quản lý tài sản quốc gia toàn cầu hàng năm của Công ty quản lý tài chính đầu tư Invesco (Mỹ) cho rằng, lạm phát sẽ cao hơn trong thập niên tới. Vì vậy, vàng được coi là một biện pháp tốt chống lại rủi ro lạm phát vì chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng cao có xu hướng làm xói mòn giá trị của đồng USD.

Trong năm 2023, vàng chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, nhưng vẫn được ghi nhận là có lợi suất vượt trội so với kênh tài sản khác trên toàn cầu. Theo giới chuyên gia kinh tế, đây rõ ràng là “kỳ tích” trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá đồng USD đều chạm mức tăng trưởng cao chưa từng thấy. Từ đầu năm 2023, các ngân hàng sẵn sàng mua hoặc bán vàng qua các quỹ Hoán đổi danh mục (ETF) hay hợp đồng hoán đổi vàng. Họ muốn nắm giữ vàng ở trong nước hơn là mang ra nước ngoài lưu trữ ở các ngân hàng trung ương khác. Theo khảo sát của Invesco, có đến 68% ngân hàng trung ương nắm giữ một phần dự trữ vàng ở trong nước, tăng 50% vào năm 2020. Trong 5 năm tới, con số này dự kiến sẽ tăng lên 74%.

Diễn biến trên cho thấy, xu thế tích trữ vàng trong nước ngày càng lan rộng. Lượng vàng được nắm giữ tại Ngân hàng trung ương Anh (một trong những trung tâm lưu trữ chính của các tổ chức tài chính trên toàn cầu), đã giảm 12% so với mức đỉnh năm 2021, xuống còn 164 triệu ounce vào đầu tháng 6-2023. Một giám đốc ngân hàng trung ương phương Tây cho biết: “Chúng tôi mua thêm vàng từ 8 đến 10 năm trước và dự trữ ở London, sử dụng vàng để hoán đổi và tăng lợi suất. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đã chuyển vàng về nước để giữ an toàn”.

Lượng mua vào kỷ lục

Theo Hội đồng vàng quốc tế (WGC), nhu cầu vàng trên toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong 11 năm qua vào năm 2022, tăng lên 3.678 tấn vào năm 2020. Ngoài Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia khác đã mua thêm một khối lượng lớn vàng bao gồm Singapore, Ấn Độ và các ngân hàng trung ương ở Trung Đông. Việc các ngân hàng trung ương mua vàng ở mức kỷ lục vào năm ngoái đã góp phần thúc đẩy giá vàng thỏi tăng mạnh, chạm mức hơn 1.960 USD/ounce trong những tuần gần đây. Trong quý 1 năm nay, các ngân hàng trung ương tiếp tục bổ sung 228 tấn vàng vào kho dự trữ, đánh dấu tốc độ mức tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái.

Singapore là quốc gia mua vàng nhiều nhất, với 69 tấn vàng đã được mua trong quý 1/2023. Điều này cho thấy không chỉ các thị trường mới nổi mới quan tâm đến kim loại quý. Trung Quốc là nước mua vàng lớn thứ hai, với 58 tấn. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục mua thêm 8 tấn vàng trong tháng 4, đánh dấu động thái mua vàng dự trữ liên tiếp trong 6 tháng. Đứng thứ 3 về khối lượng vàng mua được trong quý đầu năm nay là Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo WGC, với những biến động chính trị diễn ra trên thế giới, vàng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản dự trữ khác. Loại tài sản này không có rủi ro chính trị, cũng như không thể bị áp đặt giá trong cuộc chiến tiền tệ. Tất nhiên, không thể phủ nhận sự tồn tại của những rủi ro. Vẫn còn một số ngân hàng trung ương đã giảm lượng dự trữ vàng trong vài năm qua, điều này dẫn đến tỷ trọng vàng trong danh mục đầu tư giảm sút. WGC cũng cho rằng, nếu giá vàng tăng mạnh đột ngột, lượng mua vàng sẽ giảm và hoạt động bán ra từ các ngân hàng đặt trụ sở tại các nước sản xuất vàng cũng sẽ bị hạn chế.

Nghiên cứu của WGC cho thấy, trong giai đoạn lạm phát thấp (mức lạm phát bằng hoặc thấp hơn 3%), lợi nhuận trung bình hàng năm của vàng xuyên suốt lịch sử được ghi nhận là gần 7% tính theo USD. Trong giai đoạn lạm phát cao (mức lạm phát trên 3%), lợi nhuận có thể lên đến gần 13%. Lãi suất tăng cao là một rào cản cho lợi suất của vàng, khi lãi suất tăng, lợi suất của vàng giảm.

Tin cùng chuyên mục