Vỉa hè

Mạnh ai nấy chiếm

NGUYỄN NAM PHƯƠNG
Mạnh ai nấy chiếm

Chức năng chính của vỉa hè là dành cho người đi bộ nhưng ở Sài Gòn dường như nó đã trở thành phụ, nhường chỗ cho nhiều chức năng khác. Có thể đấy là một quán cà phê cóc, vài gánh hàng ăn, năm ba điểm bơm vá xe, một dọc những hàng lạc-xoong và vô thiên lủng dịch vụ có tên lẫn không tên khác.

Mạnh ai nấy chiếm ảnh 1

Vỉa hè mất dấu do hàng quán tràn lan.

Cái cách chen lấn ra vỉa hè không phải bây giờ mới có mà dường như điều đó đã trở thành thói quen. Quán xá ở Sài Gòn dù có mặt bằng kinh doanh đàng hoàng vẫn cứ “nỗ lực” tận dụng thêm diện tích vỉa hè để kê thêm bàn, thêm chỗ đậu xe cho khách, thậm chí kê lò nướng thịt...

Hình ảnh dễ bắt gặp nhất trên các vỉa hè Sài Gòn là hàng, quán bán thức ăn sáng. Bún riêu, xôi vò, bánh canh, xe bánh mì, bò kho, hủ tiếu… đều “góp mặt anh hào” trên các vỉa hè.

Vỉa hè được tận dụng cả ngày lẫn đêm. Nhiều quán cà phê cóc chỉ bán từ 22 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Thông thường, chủ tiệm thương lượng với chủ nhà để tận dụng vỉa hè phía trước. Khi chủ nhà đóng cửa thì quán cà phê bắt đầu dọn ra và lúc chủ nhà thức dậy thì tiệm cà phê dọn hàng.

Ban đêm, vỉa hè Sài Gòn là “mặt bằng” lý tưởng cho các quán nhậu bình dân. Khoảng 5 năm trước, khúc vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, gần lăng Ông Bà Chiểu, là một dọc quán lẩu bò, cứ sau giờ tan tầm là lửa khói mịt mù. Nay thì không còn cảnh ấy nữa nhưng ban ngày vẫn là nơi tụ hội của mấy hàng đồng hồ, phong lan, chim phóng sinh và vé số.

Sài Gòn có đến 3.132 tuyến đường nhưng không phải tuyến đường nào cũng có vỉa hè. Vỉa hè chỉn chu, trật tự, thoáng và đẹp là một nỗ lực lâu dài của nhiều cơ quan chức năng và cả ý thức của người dân. Vỉa hè khá sạch đẹp như vỉa hè đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ ở quận 1 đến nay vẫn còn là “hàng hiếm” ở Sài Gòn.

NGUYỄN NAM PHƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục