Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Chuyện dài nhiều kỳ về số nhà, tên đường”, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các cơ quan chức năng, chuyên gia và bạn đọc. Trong đó, các ý kiến đều cho rằng, mặc dù sẽ gặp không ít xáo trộn và tốn kém nhưng TP nên mạnh dạn điều chỉnh số nhà để tìm hồi kết cho câu chuyện này.
Phó GĐ Sở Xây dựng TPHCM ĐỖ PHI HÙNG: Có phần trách nhiệm của chúng tôi
Việc số nhà lộn xộn tại TPHCM là một phần do “lịch sử để lại”. Sau năm 1975, do chưa có quy định nên một thời gian dài, số nhà đã phát triển tự phát (người dân tự đặt số nhà, một số do công an khu vực cấp, một số do UBND các phường - xã cấp). Sau năm 1998, từ khi UBND TP ban hành Quyết định 1958 về cấp mới và chỉnh sửa số nhà thì việc cấp số nhà khá ổn định do quyết định này khá phù hợp với thực tế của TP. Tuy nhiên, năm 2006, khi Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 05 để thống nhất việc đánh số nhà trên toàn quốc lại có một số khác biệt so với QĐ 1958 của TPHCM.
Vì thế, TP lúng túng, nếu chuyển sang áp dụng theo QĐ 05 của Bộ Xây dựng thì xảy ra tình trạng một tuyến đường đang đánh số theo chiều này lại đánh số theo chiều khác sẽ gây rối loạn nên UBND TP yêu cầu các sở - ngành dự thảo quy chế đánh số nhà tại TPHCM. Trong khi các cơ quan nhà nước chờ nhau thì tốc độ đô thị hóa vẫn nhanh, một số quận - huyện ngưng việc cấp số nhà theo QĐ 1958 (mặc dù TP chưa hề có văn bản nào quy định QĐ 1958 hết hiệu lực), một số quận - huyện còn chủ động cấp số nhà theo QĐ 05 của Bộ Xây dựng… nên số nhà lại lộn xộn một lần nữa. Theo tôi, nếu UBND các quận - huyện vẫn tiếp tục cấp số nhà theo QĐ 1958 thì tình hình không đến nỗi nào!
Tôi thừa nhận rằng, chúng tôi có những thiếu sót trong việc kiểm tra, đôn đốc việc triển khai đánh số nhà tại các quận - huyện nên 3 năm qua việc đánh số nhà càng lộn xộn hơn. Bên cạnh đó, mặc dù có sự nỗ lực nhưng dự thảo về quy chế số nhà hơn 2 năm qua vẫn chưa hoàn thành là có một phần lỗi của sở.
Theo tôi, việc đánh số nhà theo QĐ 1958 của TP rất khoa học và phù hợp với TP, vì vậy Sở Xây dựng đã đề nghị UBND TP cho các khu vực nội thành và ven đô hiện hữu được tiếp tục áp dụng việc đánh số nhà theo QĐ 1958 nhằm tránh xáo trộn, đồng thời kế thừa được những hợp lý về việc đánh số nhà trước đây. Mặc dù chưa thông qua quy chế đánh số nhà nhưng UBND TP đã tạm thời thống nhất với dự thảo. Sở cũng đã chọn được 4 địa phương để thí điểm theo quy chế mới là quận 12, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Sở Xây dựng sẽ có một hội nghị tổng kết 10 năm về việc đánh số nhà theo QĐ 1958 của UBND TP để rà soát lại việc cấp số nhà trong thời gian qua.
Riêng về đề án “Mã nhà thông minh” của Công ty Dolsoft được UBND TP cho thí điểm tại khu Nam, Sở Xây dựng sẽ làm việc với UBND quận 7 và Ban quản lý Khu Nam đánh giá lại việc thí điểm trên để báo cáo với UBND TP cùng với việc hoàn thiện dự thảo quy chế đánh số nhà theo QĐ 05 của Bộ Xây dựng.
Kiến trúc sư LƯU TRỌNG HẢI: Đặt tên đường phải nhìn từ góc độ văn hóa - lịch sử
Theo tôi, nên đứng trên góc độ văn hóa- lịch sử để đặt tên đường. Tên đường được đặt theo địa danh, danh nhân, anh hùng, liệt sĩ… là hợp lý vì sẽ tạo cho người dân có được những ý thức và hiểu biết về văn hóa - lịch sử - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, phải chọn những tên tuổi nổi tiếng và có công với đất nước, chứ hiện nay có một số tên đường mà người dân không biết được nhân vật đó là ai. Và theo tôi, con đường được đặt tên cũng phải xứng đáng với địa danh và danh nhân được đặt tên để tránh gây phản cảm và tác động không tốt đến người dân.
Việc nhiều con đường ở TP trùng tên là không hợp lý, nên giữ tên đường đó tại con đường có lịch sử lâu đời nhất, những con đường còn lại phải mạnh dạn đổi tên. Riêng vấn đề lấy tên nhân vật nước ngoài để đặt tên đường, theo tôi nên hạn chế. Chỉ nên lấy những nhân vật nổi tiếng và có công với đất nước mình như Yersin, Alexandre de Rhodes… vì Việt Nam mình không thiếu những danh nhân.
Theo tôi, trừ những con đường có tính chất khác biệt, việc một con đường kéo dài nhiều quận sẽ hợp lý hơn là một con đường kéo dài nhưng lại có nhiều tên khác nhau. Như đường Hai Bà Trưng kéo dài là Phan Đình Phùng thì không hay. Việc đánh số nhà trên cùng một con đường phải được liên tục chứ không nên ngắt quãng theo từng quận.
Kỹ sư PHAN PHÙNG SANH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội KHKT Xây dựng TPHCM: Nên thí điểm để tránh xáo trộn
Theo tôi, việc sắp xếp lại số nhà tại TPHCM là một thách thức lớn đối với cả chính quyền TP và người dân. Tuy nhiên, cũng phải mạnh dạn điều chỉnh vì với tình trạng số nhà như hiện nay thì việc tìm đường nhiều khi vô vọng. Tôi từng tìm một địa chỉ trên đường Cách Mạng Tháng 8 hơn cả tiếng đồng hồ vì địa chỉ tôi cầm trên tay, nếu đúng theo cách đánh số nhà bình thường thì chỉ cách nơi tôi đứng khoảng 5 căn nhà, thế nhưng đến nơi thì không phải và được chỉ sang một phường khác, đi hết phường vẫn chưa tìm ra địa chỉ cần tìm nên phải đến một phường khác nữa…
Chính vì thế, cần một cuộc cách mạng để điều chỉnh lại số nhà tại các khu vực “số nhà rối như canh hẹ” của các quận 11, Gò Vấp, Tân Bình… Để tránh xáo trộn, TP nên chọn những con đường “đặc trưng” như: Âu Cơ, Lạc Long Quân (quận Tân Bình); đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10); Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), Lý Thường Kiệt (quận 11, Tân Bình)… thông báo trước cho người dân rồi đánh số lại, chứ nếu để tình trạng như hiện nay thì việc kiếm số nhà là một thách đố đối với người dân.
TP mất vài trăm triệu đồng mỗi ngày |
HẠNH NHUNG
* Thông tin liên quan:
Chuyện dài nhiều tập về số nhà, tên đường
* Bài 3: Loay hoay tìm lời giải
* Bài 2: Mã nhà hay số nhà?
* Bài 1: Nhà càng nhiều, số càng loạn