Mạnh dạn thay đổi để vươn lên...

Ý kiến

Nhân dịp năm mới 2014, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có bài viết: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”. Tôi không nghĩ đó chỉ là một thông điệp bộc bạch những ý đồ lớn, một chương trình hành động quốc gia cho năm 2014, mà còn là lời hiệu triệu kêu gọi niềm tin hơn nữa vào những hành động để tái cấu trúc lại nền kinh tế. Sau hơn 5 năm ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, cũng là gần 6 năm sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn để gồng mình chống đỡ, tìm kiếm sự sinh tồn trong mỏi mòn.

Điều quan trọng hơn, tuy chưa thẳng thắn nhìn nhận sự bộc lộ yếu kém của nền kinh tế, nhưng kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp cốt lõi cho đường đi chiến lược kinh tế của đất nước. Không chút gượng gạo, Thủ tướng đã chắt lọc tinh túy của tinh thần phiên họp này, biến nó thành lời thông điệp và hiệu triệu: “Hãy đi ngay vào sắp xếp tái cấu trúc lại, trong đó chủ yếu tập trung ngay vào nông nghiệp, một ngành được gọi là bệ đỡ cho nền kinh tế nhưng còn nhiều bất ổn, vẫn còn đó những nỗi lo âu, tuy dù cuối năm 2013 những dấu hiệu khôi phục kinh tế được rõ nét hơn”.

Tôi hiểu rằng, hơn ai hết, Thủ tướng là người hiểu rõ hơn những yếu kém nội tại của nền kinh tế chúng ta gần 6 năm nay, đã phơi bày rõ ràng trong năm qua. Niềm tin và mong đợi của chúng ta cũng chính là sự khao khát trong đổi mới, trong cải cách thể chế hành chính, trong xây dựng hạ tầng, trong đào tạo nguồn nhân lực. Trong cảm nghĩ của tôi, người hoạt động trong ngành thực phẩm, những sản phẩm xuất phát từ ngành nông nghiệp, sự cải cách tái cấu trúc phải xem là trọng tâm của ngành kinh tế, nên bắt đầu lại cho hôm nay và sắp tới.

Năm 2014, chúng ta phải bước vào TPP trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp đã bị bào mòn. Một mặt, chúng ta phải chấp nhận luật chơi của quy ước với sự xung đột mạnh mẽ của các quy định, mà ngành nông nghiệp là ngành dễ bị tổn thương nhất. 6 năm gia nhập WTO, chúng ta vẫn chưa có được những điều mong đợi. Cho dù chúng ta đã có kế hoạch, đã có chiến lược, nhưng hãy nhìn lại sẽ thấy rằng trong thực tế thì chúng ta còn nhiều bất cập, thiếu kiểm soát.

Liên kết kinh tế chỉ mới được quan tâm tới liên kết ngành, các vùng kinh tế với sức mạnh chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta sẽ cấu trúc lại ngành nông nghiệp như thế nào, hay sẽ nhường sân lại cho các quốc gia trong nội khối với các đề án được duyệt mà thôi. Điểm lại các bất cập của ngành nông nghiệp, ta thấy rằng, ngành thủy sản có lợi thế nhất bây giờ cũng loanh quanh với truy xuất nguồn gốc và đảm bảo theo yêu cầu chất lượng. Lúa gạo thì lượng sản xuất, xuất khẩu vẫn còn cao nhưng trị giá thấp dần, điều đó cho thấy chúng ta chưa thật sự đi vào thị trường của sản xuất. Ngành thịt gia súc thì mong manh hơn, năng suất không cao, giá thành lại cao hơn… sản phẩm đầu ra không tiêu thụ hết và rất bấp bênh.

Và khi thực hiện các dòng thuế theo cam kết, áp dụng các qui ước kỹ thuật TBT, SPS (rào cản thương mại, quy ước kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm) thì chúng ta không vượt qua nổi. Thế nhưng, chúng ta đã quen với cách tự an ủi, tự bênh vực mình, cứ mong muốn êm đềm bảo trợ cho nền sản xuất thông qua sự ngọt ngào, ít biết đến những cay đắng, cho dù nó là sự thật.

Tôi muốn từ thông điệp của Thủ tướng, nó cũng là lời hiệu triệu. Chúng ta hãy tỉnh táo trở lại, mạnh dạn nhìn vào sự thật, thà một lần đau, để rồi thay đổi vươn lên, hơn là cứ trùm mền giữ ấm cơ thể. Hãy ngồi lại, từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Tình hình không cho phép chúng ta rên rỉ than vãn! Với niềm tin mới cho năm 2014, chúng ta hãy đoàn kết lại bằng sức mạnh, đề ra giải pháp thật sự để mình lớn hơn, giỏi hơn, đừng để mất thời gian và cơ hội, thời gian không bao giờ chờ đợi chúng ta.

VĂN ĐỨC MƯỜI
Tổng Giám đốc Vissan

Tin cùng chuyên mục