Mảnh đất tình người

Tết mãi là một điều thiêng liêng, khiến người ta ấm áp mỗi khi nghĩ về. Ở đó, có niềm hạnh phúc sum vầy bên bữa cơm ngày tết cùng gia đình. Những cái tết xa quê hiển hiện thật rõ nơi thành phố này. Giữa bao khó khăn còn đó, tết vẫn len lỏi, rộn ràng về qua các xóm trọ nhỏ, vẫn có mùi bếp thơm nồng đầy hương sắc và ấm tình người.

Tết nơi “xóm trọ 0 đồng”

Nắng chiều mùng 3 tết vẫn giòn tan, ấm áp nơi khu nhà trọ 0 đồng nằm ở 23/4 đường Bình Trưng, phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức, TPHCM). Nhịp điệu tết sôi réo từ đầu hẻm tới cuối xóm. Mấy đứa nhỏ chừng 7-8 tuổi, có đứa mười mấy, đứng vòng tròn ngay cổng vào, cười tít mắt khi 3 con lân và rồng của khu phố ghé qua.

Tiếng trống, tiếng vỗ tay, tiếng cười nói của mấy đứa trẻ và ba má chúng hòa vào rộn ràng, mỗi lần lân vào thế múa đẹp, khó. Mấy con lân, rồng đi vào trong dãy trọ, ghé cửa từng phòng, chào từng bệnh nhân không thể ra được ngoài sân…

- Hồi đó, lúc chưa bệnh á, con ở trong đoàn múa lân tỉnh luôn đó cô. Con đi diễn 4 năm lận. Có lần con bị té tưởng đâu tiêu rồi phải nghỉ luôn nhưng sau đó khỏe lại đi tập…

- Con cũng vậy nè! Mà con múa 2 năm đoàn ở huyện, nhỏ hơn đoàn anh Ka Minh ạ. Xưa cũng tết như vầy, tụi con đi diễn khắp xóm, vui gì đâu! Chỉ tiếc tới hồi con suy thận nặng phải bỏ luôn cô ơi…

Kể tới đây, em Nguyễn Thành Hiếu (14 tuổi, quê Phú Tân, An Giang) nghẹn giọng. Cả Hiếu, Ka Minh (15 tuổi, quê Lâm Đồng) và gần 10 em nhỏ bị suy thận đang tá túc tại khu trọ dịp tết này gần như bỏ lại lớp học, sách vở; ước mơ, sở thích và cả tết quê nhà phía sau để ở lại TPHCM tiếp tục chống chọi với bệnh tật. Một mình ở lại thành phố, Hiếu nói cũng gần quên buồn vì em quen rồi.

“Tía mất từ năm con 8 tuổi, má đi xa kiếm việc lo cho gia đình nên con sống một mình từ đó trong căn nhà nhỏ dưới quê. Chừng vài tháng má về thăm. Tới lúc con suy thận nặng quá mới phải lên TPHCM để chạy chữa. Tết này con ở đây vì mùng 1 có lịch chạy thận. Con chạy thêm 3 buổi nữa mới bắt xe về quê 2 ngày cho đỡ nhớ rồi lên lại”, Hiếu kể.

Những ngày tết này, Hiếu và đám nhỏ được gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dương (chủ nhà trọ) sắm cho áo quần mới, dẫn đi xem phim tết, dẫn đi Suối Tiên, Đường hoa tết Nguyễn Huệ chơi… xen kẽ những buổi lên bệnh viện của các con. Mẹ em Ka Minh là chị Ma Ma Lun (39 tuổi, ngụ ấp M’Răng, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình chủ trọ lo hết cho các bé và thân nhân ở lại chăm sóc, từ chỗ ăn ngủ miễn phí suốt mấy tháng qua, đến đưa đám nhỏ chơi tết. Mấy ngày tết cũng có vài nhà hảo tâm tới mừng tuổi tụi nhỏ, gửi một ít chi phí phụ ba mẹ chăm sóc.

i3d-5151.jpg
Chị Huỳnh Thị Hiệp chuẩn bị thuốc cho con gái Nguyễn Thị Tuyết Mai

Đang phụ nấu món ăn ngày tết, chị Huỳnh Thị Hiệp (40 tuổi, quê ấp 5, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) - mẹ bệnh nhi Nguyễn Thị Tuyết Mai, khoe: “Coi ở trọ vầy thôi chớ không thiếu món gì nha! Đêm 30 tết ở đây tổ chức cúng giao thừa chung. Cúng xong đám nhỏ được mừng tuổi. Mấy cháu khoe mà mình rớt nước mắt theo”.

Ân tình như suối mát

2 giờ 30 chiều mùng 1 tết, giữa cái nắng chói chang, cô Hồ Thị Bích Thủy (62 tuổi, quê ở An Giang) vẫn ráng ngồi ngay phía gần cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) phe phẩy vé số mời khách. Có người ghé lại mua 5 tờ, có người mua chục tờ ủng hộ, có người còn lì xì thêm. “Nắng lắm con, mệt mà phải chịu. Ngồi trong mát người ta không thấy mình để mua. Trưa cô bán bên phía chợ Bà Chiểu xong lấy 200 tờ qua đây ngồi bán. Nay bà con đi chơi tết cũng ủng hộ ít nhiều”, cô Thủy nói sau khẩu trang và chiếc nón kín mít.

Đây là năm thứ 5 cô Thủy không về quê đón tết vì đi lại tốn kém và cô cũng không còn mấy người thân nữa. Lâu rồi, với cô, ngày tết đã không còn nhiều mong ước nhưng khi kể về những sự quan tâm ở thành phố, cô xúc động: “Cô ở trọ ở đường Vũ Tùng gần chợ Bà Chiểu đó. Đêm giao thừa chủ nhà tổ chức tất niên, cúng giao thừa chung cho xóm trọ toàn dân chạy xe ôm, bán vé số như cô. Họ cho gạo, nước ngọt, đường, nước tương, bánh kẹo… để mình ăn tết nữa”.

Cho đến bây giờ, cô Trần Thị Nhung (61 tuổi) vẫn không quên chiều 28 tết nơi Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2, sau khi khám bệnh xong mệt lả người, cô ngồi bệt xuống góc hành lang bệnh viện. Trong mấy người lại hỏi thăm có người đang sống tạm tại khu nhà trọ 0 đồng ở Bình Trưng Đông, nghe cô chưa kiếm được chỗ ở qua tết nên giới thiệu về.

Cô Nhung nhớ lại đi khám bệnh ở địa phương được chẩn đoán thiếu máu, ung thư đại tràng giai đoạn 3 sắp chuyển qua giai đoạn 4 cách đây gần 1 tháng. Chồng bị tai biến từ năm 37 tuổi đến nay nên đứa con duy nhất phải ở nhà chăm sóc bố; còn cô từ xóm 3, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, lần đầu tiên một mình vào TPHCM chữa trị. Những ngày đối mặt với bệnh tật, cô đơn nơi đất khách, cô gần như ngã gục. Mấy ngày hóa trị, phẫu thuật, cô ở trong phòng bệnh, xong thì ra ngoài gần bệnh viện thuê chỗ ngủ qua đêm chừng 150.000 đồng.

“Đêm giao thừa, chủ nhà đưa riêng cô 10 bao lì xì, nói đặng để mình gửi lộc may mắn cho các cháu nhỏ chạy thận cùng dãy trọ… Xúc động quá con ơi! Sao ở thành phố mình, người ta tốt bụng, rộng rãi, sẵn sàng sẻ chia đến thế? Ân nghĩa này chẳng biết đến bao giờ mới trả hết…”, cô Nhung vừa chia sẻ, vừa khóc.

Tin cùng chuyên mục