“Cánh đồng gió” (*)

Mạnh ở tuyến phụ

NHẬT LAM
Mạnh ở tuyến phụ

Chuyện kịch kể về những con người có số phận không suôn sẻ mà vẫn gắng từng bước để sống một cách tử tế.

Mạnh ở tuyến phụ ảnh 1

Cảnh trong vở “Cánh đồng gió”.

Bé Bì (Thanh Thúy) có lẽ là nhân vật bất hạnh nhất. Chẳng may bị thiểu năng từ nhỏ, mẹ mất sớm, bé Bì sống với bà nội, lâu lâu ba Long (Đỗ Đức Thịnh) ở TP về thăm bắt phải gọi bằng... chú bởi những người tình của ba đều một đi không trở lại khi biết người chồng tương lai của mình có một đứa con không bình thường.

Đem vị hôn thê mới về quê lần này, ba Long dứt khoát phải cưới được vợ nên bắt bé Bì một, hai không được nhận ba. Nhưng bé Bì không có trí nhớ như người bình thường nên ba – chú cứ lẫn lộn khiến cô Thảo (Vân Anh), người yêu của ba Long, dễ dàng phát hiện. Nhưng khác với những người con gái trước, cô Thảo chẳng những không bỏ đi mà còn mong muốn được bé Bì gọi bằng mẹ.

Bên cạnh chuyện đứa con “khó xử” của ba Long, chuyện tình trắc trở của ông Tám (Bảo Quốc) và bà Năm (Hồng Vân) được bố cục song song với tuyến nhân vật chính cũng là một câu chuyện cảm động. Họ yêu nhau thời trẻ nhưng chẳng may, nàng bị kẻ xấu hiếp đến mang thai. Sinh con trong đau khổ, mặc cảm đã khiến bà luôn tìm cách lẩn tránh ông nhưng ông lại chỉ một lòng một dạ, đợi chờ bà cho đến ngày tóc bạc răng long.

Lấy ý tưởng từ truyện Ngôi nhà mục của Hoàng Linh Hương, đạo diễn Đỗ Đức Thịnh đã viết và dựng nên vở kịch Cánh đồng gió. Đúng như tên gọi của vở, cánh đồng với phong cảnh làng quê sông nước hữu tình đã hiện ra đầy gió. Một căn nhà mái lá đơn sơ nằm dọc bờ kênh đầy lau sậy, một sàn nước mấp mé bờ sông cho ta hình ảnh thật êm đềm về cuộc sống làng quê. Nhưng những con người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ấy lại không chút an bình, luôn “nổi sóng” bởi những biến thiên từ số phận.

Tuy vở kịch được xây dựng trên câu chuyện tình của hai đôi Long – Thảo (trẻ) và bà Năm – ông Tám (già) nhưng nhân vật được chú ý và có lẽ tạo được ấn tượng nhất vở là bé Bì. Ngay khi màn mở, bé Bì với tính cách của một đứa trẻ bị thiểu năng đã trở thành “hạt nhân”, tạo cảm xúc cho đường dây tâm lý của các nhân vật khác. Bé Bì làm cho ba Long vừa bực vừa sợ, kích thích óc tò mò của cô Thảo, khiến bà nội lo lắng, kể cả việc đem lại sự hồi hộp cho bọn trẻ đồng lứa trong xóm mỗi khi chúng cả gan trêu chọc Bì. Nhưng “được” nhất là trở thành cầu nối giữa ông Tám và bà Năm.

Các tác giả của vở đã xây dựng nhân vật Bì như một sự đối lập giữa hình thức và nội dung, giữa cái xấu và cái đẹp, giữa sự đần độn và óc thông minh, giữa người mê và kẻ tỉnh... Những toan tính bất chính của người lớn qua lăng kính trẻ thơ, đần độn của Bì đều bị bóc trần. Thiểu năng, học mãi không thuộc nổi cửu chương 2 nhưng biết “dị ứng” với những điều sai trái, với khả năng nhập vai khá tốt của Thanh Thúy, bé Bì được xem là một thành công của vở.

Cánh đồng gió không được xây dựng trên một cốt truyện mang tính xung đột cao, chỉ duy nhất một yếu tố để làm gút thắt cho vở nhưng xem ra rất yếu và chưa được đào sâu là việc Long cố tình che giấu không nhận bé Bì làm con.

Chi tiết này được thể hiện có quá nhiều sơ hở, dẫn đến giả tạo bởi thái độ chấp nhận sau đó của nhân vật Thảo quá dễ dàng, quá nhẹ nhàng nên cảm giác cũng do đó mà bị trơn tuột, không đọng lại chút gì. Một phần do kịch bản có quá ít tình huống, mặt khác, phần diễn xuất của Vân Anh cũng nhợt nhạt, thiếu chiều sâu, ít tâm trạng. Điều này dẫn đến việc Long giấu mình có con là việc làm vô nghĩa, như võ sĩ hùng hổ đánh vào... khoảng không!

Còn chút gì để nhớ chăng là nhớ nỗi đau đợi chờ, gần mà xa, xa mà gần, dằn vặt đêm ngày của ông Tám đối với người phụ nữ mình yêu. Nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc đã chuyền được ngọn lửa “nhức lòng” này đến với trái tim người xem.

Thêm một chút dễ thương nữa là cảnh câu cá, thả diều bên triền sông giữa ông Tám, bé Bì và hai cậu bạn nhỏ trong xóm. Hòa Hiệp và Gia Bảo, tuy xuất hiện chỉ một cảnh nhỏ nhưng đã làm cho không khí vở kịch thêm những tiếng cười yêu đời và gợi dậy trong lòng những người phố thị về những kỷ niệm của một thuở thiếu thời ở làng quê.

Giá như đừng có cảnh hồi tưởng về chuyện bà Năm bị bọn lính hiếp, giá như tuyến kịch giữa Long và Thảo được xây dựng kỹ lưỡng hơn, vở Cánh đồng gió hẳn sẽ là một vở kịch đáng xem.

* Đang diễn tại Sân khấu kịch Phú Nhuận.

NHẬT LAM

Tin cùng chuyên mục