Kiểm soát chất lượng nón bảo hiểm

Mạnh tay với nhà sản xuất, buôn bán nón bảo hiểm “dỏm”

Mạnh tay với nhà sản xuất, buôn bán nón bảo hiểm “dỏm”

Với đầu tư bỏ ra không nhiều lại thu lợi nhuận cao đã làm “mờ mắt” các nhà sản xuất nón bảo hiểm (NBH). Vì vậy mà họ bỏ qua chất lượng, sản xuất NBH “dỏm” hàng loạt tung ra thị trường với giá “bèo”, xem thường tính mạng người sử dụng. Trong khi đó các cơ quan quản lý chưa đủ chế tài, lực lượng kiểm soát mỏng nên NBH kém chất lượng vẫn bị thả nổi.

Mặt khác, người tiêu dùng lại không ý thức về sinh mạng, không có kiến thức về chất lượng NBH mà chỉ quan niệm đội NBH để “đối phó”… Những bất cập này đã được mổ xẻ tại hội thảo: “Người tiêu dùng và chất lượng nón bảo vệ người đi xe gắn máy” do Cơ quan đại diện phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và bảo bệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức ngày 23-11 vừa qua tại TPHCM.

Vì lợi nhuận, xem thường tính mạng người dân

Mạnh tay với nhà sản xuất, buôn bán nón bảo hiểm “dỏm” ảnh 1
Người tiêu dùng rối mù khi chọn mua nón bảo hiểm. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một trong những vấn đề được các đại biểu bức xức là hầu hết các nhà sản xuất NBH chẳng có một tí chuyên môn nào về NBH, thậm chí không biết quy định của Bộ KH-CN về tiêu chuẩn NBH. Một đại biểu cho biết ông đã từng chứng kiến một cơ sở sản xuất NBH sử dụng nguyên liệu là những loại nhựa tái chế “tạp nham” mà chưa nói đến kiểm định cũng đủ biết chất lượng như thế nào.

Thực tế này là hoàn toàn khẳng định khi Thanh tra Sở KH-CN, Chi Cục quản lý thị trường TPHCM trong thời gian qua phát hiện hàng loạt cơ sở, cửa hàng sản xuất buôn bán NBH chất lượng… “trời ơi”.

Ông Trịnh Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục TC-ĐL-CL TPHCM, cho biết một số cơ sở sản xuất không chỉ sử dụng nguồn nguyên vật liệu thay thế không đảm bảo chất lượng mà còn cho lưu hành nón tồn kho từ những năm trước đã biến chất ra tiêu thụ ngoài thị trường.

Bên cạnh đó, một số NBH dùng làm quà tặng, quà khuyến mãi hầu hết có chất lượng kém, không có tác dụng bảo vệ an toàn cho người đi xe máy. Chưa hết, một số cơ sở không có giấy phép kinh doanh, chưa công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng giá thành rẻ nên vẫn tiêu thụ được nhiều. Ông Tâm rất bức xúc là các nhà sản xuất đã chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua tính mạng người dân.

Ông Đinh Văn Trữ, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật TC-ĐL-CL 3, cho biết trước nhu cầu gia tăng đột biến về số lượng, cùng với việc đầu tư công nghệ sản xuất không quá phức tạp, vốn đầu tư ban đầu không nhiều nên số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh NBH gần đây tăng cao.

Đối với nón nhập khẩu, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông bằng cách bắt buộc đội NBH, cũng nóng dần lên với những biến động mạnh về cung - cầu, giá cả.

Còn ông Nguyễn Tử Trí, Giám đốc Công ty SX-TM-XK Phương Đức ASIA, cho rằng nếu một doanh nghiệp sản xuất NBH đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng thì giá thành rất cao. Vì thế để có lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất các loại nón kém chất lượng hơn. Trong khi họ hoàn toàn có thể sản xuất ra những loại NBH đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Xử phạt nặng cơ sở sản xuất, buôn bán NBH “dỏm”

Ông Đỗ Ngọc Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng tại TPHCM, băn khoăn việc những cơ sở sản xuất công bố sản phẩm hợp chuẩn không đồng nghĩa là sản phẩm họ làm ra đều đạt tiêu chuẩn chất lượng. Vì thế ông mong muốn các nhà sản xuất và cung cấp NBH hãy thực hiện nghiêm chỉnh quy định về chất lượng vì đây là mặt hàng liên quan trực tiếp đến tính mạng con người.

Ông Chính đề nghị phải có những thông tin minh bạch về sản phẩm và cam kết bồi thường nghiêm túc với người tiêu dùng khi xảy ra chấn thương do NBH không đảm bảo. Đối với cơ quan quản lý, ông kiến nghị phải hướng dẫn các nhà sản xuất, kinh doanh nắm rõ các yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Kiểm tra, thanh tra thường xuyên cả khâu lưu thông và sản xuất. Tịch thu, tiêu hủy ngay các NBH không đạt chất lượng, truy tìm phạt nặng các cơ sở sản xuất không đạt chất lượng.

Từ kết quả của các đợt kiểm tra thực tế, ông Trịnh Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục TC-ĐL-CL TPHCM, kiến nghị các cơ quan quản lý cần duy trì thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh NBH. Đồng thời kiên quyết xử lý đối với các sản phẩm hàng hóa giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa công bố chất lượng.

Đối với các đơn vị sản xuất, cần tuân thủ Quyết định 04/2006/QĐ-BKHCN, chỉ dán dấu “CS” để xuất xưởng và tiêu thụ khi có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng NBH cung cấp cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người tiêu dùng bị thương vong, do sử dụng NBH kém chất lượng.

Bên cạnh chế tài xử phạt nặng, theo ông Hoàng Lâm, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật TC-ĐL-CL 3, cần xem xét đưa việc sản xuất NBH vào mặt hàng có điều kiện. Tức là muốn sản xuất NBH phải hội đủ các điều kiện về công nghệ, nguyên liệu, kiểm định… Tuy nhiên, để đưa NBH vào mặt hàng sản xuất có điều kiện, ông Lưu Tiến Dũng, GĐ Trung tâm Dịch vụ KHCN - Bộ KH-CN, cho rằng cần tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi công nghệ cho các cơ sở sản xuất và điều này Trung tâm Dịch vụ KHCN sẵn sàng đứng ra hỗ trợ.

Trong khi đó, với vai trò là cơ quan quản lý cấp Bộ, TS Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng phụ trách phía Nam - Bộ KH-CN, cho rằng kiểm soát chất lượng NBH là trách nhiệm của nhiều ngành, thậm chí của toàn xã hội. Tuy nhiên, trong thời điểm cấp bách hiện nay khi mà ngày 15-12 (ngày bắt buộc đội NBH trên mọi tuyến đường) đến gần, thị trường chất lượng NBH còn chưa kiểm soát hết thì nhà sản xuất, nhà lưu hành, người tiêu dùng phải có trách nhiệm với sinh mạng chính mình và người khác.

Trước mắt, Bộ KH-CN đề nghị thanh tra các Sở KH-CN, Chi Cục TC-ĐL-CL, Quản lý thị trường cần kết hợp chặt chẽ hơn để tăng cường kiểm soát chất lượng NBH. Bộ KH-CN sẽ kiến nghị Chính phủ có những chế tài mạnh tay hơn đối với người sản xuất, buôn bán NBH kém chất lượng.


HÂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục